Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cổ phần hóa và thoái vốn là 5 Tổng công ty đường sắt, hàng hải, công nghiệp tàu thủy, VEC và Cửu Long.
Tạo đà từ những thành công trong thực hiện cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn giai đoạn 2011-2015, trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để CPH và thoái vốn các doanh nghiệp còn lại; trong đó phải kể đến những cái tên đình đám như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM…
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, xác định trên cơ sở thực tiễn, năm 2016, Bộ sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, từ đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước; tạo sức hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực từ xã hội để phát triển các lĩnh vực trọng yếu, phục vụ phát triển nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể là Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần. Với 27 đơn vị đã được phê duyệt phương án trong năm 2015 để chuyển đổi thành công ty cổ phần gồm: Bệnh viện GTVT Trung ương, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, 24 Công ty con thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 1 công ty con thuộc VEC, Bộ GTVT sẽ hoàn thành phương án cổ phần hóa, tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập doanh nghiệp và tiến hành chuyển đổi.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục hoàn thành thoái vốn cổ phần hóa
(Ảnh minh họa: KT)
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, một trong những công việc quan trọng của công tác CPH trong thời gian tới, chính là việc hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp của 2 Công ty mẹ là Tổng công ty VEC và Cửu Long sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn điều lệ.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng phải hoàn thành phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Bệnh viện Nam Thăng Long, VEC, Cửu Long, 1 Công ty con thuộc VEC và 7 công ty con thuộc SBIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý tài chính và chuyển đổi các đơn vị này sang mô hình công ty cổ phần, tiến tới cổ phần Công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Tiếp tục thực hiện, hoàn thành quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với các Tổng công ty, công ty đã hoàn thành cổ phần hóa; chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp sau cổ phần sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định. Phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại 02 Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa và tổ chức thực hiện, hoàn thành trong Quý I/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ chỉ đạo các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam tiếp tục hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, không thuộc diện cần nắm giữ tại các công ty cổ phần theo Đề án tái cơ cấu, kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt. Trong đó, đẩy mạnh công tác giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đối với 27 doanh nghiệp đã thực hiện IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần trong năm 2016. Đồng thời thực hiện cổ phần hóa 2 Tổng công ty gồm VEC, Cửu Long và 5 đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thành phương án CPH Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Bệnh viện Nam Thăng Long, 1 Công ty thuộc VEC để chuyển đổi toàn bộ các đơn vị này sang công ty cổ phần trong năm 2016.
Để thực hiện thành công quá trình sắp xếp, đổi mới và CPH doanh nghiệp ngành GTVT theo kế hoạch đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cần tập trung triển khai việc tái cơ cấu theo ngành và lĩnh vực không phân biệt cấp quản lý, kiên quyết chuyển giao những doanh nghiệp nhà nước đang thuộc sở hữu, quyền quản lý từ những bộ, ngành không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp về các bộ, ngành quản lý trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính hoặc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Cùng với đó, cần xây dựng danh mục, kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm huy động các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân. Hạn chế đến mức thấp nhất việc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con. Bởi khi thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển giao doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý nghĩa vụ bảo lãnh.
Bộ GTVT cũng nghiên cứu chuyển hướng từ bảo lãnh đối tượng là doanh nghiệp nhà nước sang bảo lãnh mục tiêu (không phân biệt sở hữu doanh nghiệp) để đảm bảo cân đối, điều tiết vĩ mô và khuyến khích phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy phát triển.
Tương tự với đó, Bộ cũng sẽ chuyển dần từ hình thức đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu sản phẩm công ích sang đấu thầu mục tiêu nhằm tạo sự ổn định lâu dài, giảm cơ chế xin cho, giảm thủ tục, tiết kiệm ngân sách, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiều sâu để tham gia cung ứng các sản phẩm công ích./.