Uống thuốc với nước dừa, nước trà hoặc thậm chí nước lạnh là sở thích của nhiều người. Vậy khi uống thuốc nên uống cùng nước gì và uống nước loại nước nào sẽ tốt nhất? Chúng ta cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết sau.
Uống thuốc với nước dừa có được không?
Trên thực tế, loại nước và lượng nước dùng để uống thuốc chính là một trong những thành tố quan trọng giúp việc hấp thu, phân bố, chuyển hóa và phân giải thuốc đi chữa bệnh cho cơ thể. Nước dùng để uống thuốc không chỉ đơn thuần là chất dẫn đưa thuốc từ miệng xuống ống tiêu hóa mà còn đóng vai trò là dung môi hòa tan thuốc, giúp thuốc khuếch tán đều khắp bề mặt ống tiêu hóa nên hấp thu tốt hơn. Đồng thời, việc lựa chọn đúng loại nước sẽ giúp thuốc bài xuất nhanh hơn qua thận giúp giảm những độc tính không cần thiết.
Nước dừa là loại nước có nhiều tác dụng với cơ thể, giúp giải nhiệt, cung cấp những dưỡng chất cần thiết vì chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng. Nhưng nhiều người đang quá lạm dụng nước dừa, thậm chí sử dụng nước dừa để uống kèm với thuốc mà không biết những hậu quả khôn lường có thể gặp phải.
Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nước dừa uống thuốc sẽ gây nguy hại, tăng độc tính của thuốc, do ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng nồng độ thuốc quá đáng ở trong máu. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối không sử dụng nước dừa như một chất dung môi dẫn thuốc vào cơ thể.
Bên cạnh đó, để hạn chế những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, khi uống nước dừa bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Uống nước dừa khi đi nắng về: Dừa có tính hàn mạnh nên khi đi nắng về bạn không nên uống nước dừa luôn vì rất dễ bị “trúng gió”, làm cho cơ thể mệt mỏi. Bên cạnh đó, những người luyện tập thể thao và làm việc với cường độ lớn trong thời gian dài cũng được khuyến cáo không nên sử dụng loại nước này.
- Không nên cho trẻ em quá nhỏ uống nước dừa: Nước dừa tốt cho bà bầu, nhưng lại không có tác dụng tích cực đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Bởi ở lứa tuổi này, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, chưa kịp hấp thụ và chuyển hóa những dưỡng chất có trong nước dừa. Bạn cũng nên nhớ, tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều và quá nhanh, trẻ dễ bị đầy hơi, khó tiêu và không tốt hệ tiêu hóa của bé.
- Không nên uống nước dừa thường xuyên: Dừa có nhiều calo, do đó một ngày bạn chỉ nên uống 1 – 2 quả dừa mỗi ngày. Nếu uống quá nhiều, không kết hợp với vận động thường xuyên sẽ gây ra tình trạng dư thừa năng lượng dẫn đến béo phì.
Xem Thêm: Uống thuốc với sữa có được không, uống xong ăn sữa chua được không?
Uống thuốc với nước trà có được không?
Trà được biết là một thảo dược chữa bệnh lành tính, có tác dụng hữu hiệu với sức khỏe và sắc đẹp con người: chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ chống bệnh tim mạch…. Nhưng khi kết hợp với thuốc, trà xanh lại được ví như “khắc tinh”. Axit tannic có trong trà có thể kết hợp cùng với một số chất có trong thuốc sẽ tạo kết tủa và ảnh hưởng đến sự hấp thụ cũng như tác dụng của thuốc.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc dùng g nước trà để uống thuốc an thần thì chất caffeine và theophylline trong trà cùng các chất kích thích khác sẽ làm cho thuốc an thần bị giảm bớt, thậm chí mất tác dụng.
Bên cạnh việc không dùng trà để uống thuốc, một số trường hợp dưới đây cũng hạn chế hoặc tuyệt đối không nên uống trà:
Phụ nữ mang thai: Trà có chứa một lượng lớn polyphenol và cafein, đối với sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ là có nhiều nhân tố bất lợi, vì vậy phụ nữ có thai không nên hoặc tuyệt đối không sử dụng nước trà.
Người thiếu máu: Chất tanin trong trà đặc nóng có thể kết hợp với sắt để tạo thành các hợp chất không hòa tan, khiến cơ thể không nhận được đủ nguồn cung cấp sắt.
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi: Đối tượng này không nên uống trà dù chỉ là lượng nhỏ vì trong trà có chứa axit tannic khi được đưa vào dạ dày, gặp chất sắt sẽ gây nên phản ứng làm giảm lượng sắt trong máu, dẫn đến tình trạng thiếu máu của trẻ.
Người cao tuổi có sức khỏe kém: hạn chế uống trà vào buổi tối, dễ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Với người già, thời điểm thích hợp nhất để uống trà là buổi sáng, khi đó cơ thể khỏe mạnh nhất.
Uống thuốc với nước lạnh có được không?
Loại nước dùng để uống thuốc cũng có ảnh hưởng lớn tới khả năng hấp thu, chuyển hóa của các thuốc. Sữa, nước chè, cà phê, rượu bia, nước hoa quả, đồ uống có gas đều có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc làm tăng tác dụng dẫn tới nhiều hậu quả xấu, mà điển hình nhất là tình trạng ngộ độc.
Bên cạnh những loại nước trên, nước lạnh khi kết hợp với thuốc cũng gây ra những tác hại nhất định. Bởi trên thực tế, các loại thuốc đặc biệt dạng viên nang cần được hòa tan ở một mức độ nhất định khi đưa vào thành dạ dày. Chỉ trong 5s uống thuốc, sự phản ứng của thuốc với nước lạnh sẽ chưa đủ để thuốc hòa tan, theo đó, thời gian phân tán thuốc cũng lâu hơn, dạ dày cũng phải co bóp nhiều hơn để giải phóng thuốc.
Do đó, bạn cần đặc biệt quan tâm tới việc lựa chọn nước uống để phát huy tác dụng của thuốc tốt nhất.
Uống thuốc với nước gì là tốt nhất?
Những loại nước kể trên chưa phải là sự lựa chọn phù hợp để uống cùng thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ có nước lã đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc. Uống thuốc với loại nước này cùng lượng nước phù hợp sẽ giúp đưa thuốc viên (viên nén hoặc viên nang) từ miệng xuống nhanh đến dạ dày, tan rã và hòa tan tạo dung dịch thuốc, sau đó trôi xuống ruột là vị trí dược chất sẽ hấp thu vào máu cho tác dụng trong thời gian nhanh nhất.
Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, tìm kiếm thông tin về lượng nước nên uống với thuốc là ít hay nhiều. Lượng nước để uống thuốc sẽ tùy thuộc vào loại thuốc cần uống và các bệnh lý mắc kèm. Nếu không chắc chắn về lượng nước nên uống, bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia. Trong trường hợp cần dùng một loại thuốc với sữa, nước ép trái cây nào đó, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc này vào một thời điểm khác với các loại thuốc còn lại.
Trong các trường hợp khác, có thể cần đưa thuốc bằng một con đường khác (tiêm, đặt trực tràng…) hoặc có thể tạm ngừng thuốc cho đến khi có thể uống nước. Lưu ý tốt nhất hãy ngồi dậy khi nuốt thuốc và không nằm sớm hơn 30 phút sau khi uống thuốc. Đối với thuốc là viên nang hay còn gọi là viên nhộng là dạng dễ nuốt, một số người uống khan, không uống chung với nước (đặc biệt là người cao tuổi do rối loạn tiểu tiện thường đi tiểu lắt nhắt rất ngại uống nước), viên nang uống khan có thể dính lại ở thực quản gây viêm loét thực quản rất tai hại.
Vì vậy, uống thuốc với lượng nước đủ là cần thiết, thậm chí có một số thuốc đòi hỏi phải uống nước thật nhiều để thuốc được lọc, bài tiết nhiều theo nước tiểu không gây đóng sỏi hại thận.
Như vậy việc uống thuốc với một lượng nước phù hợp sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh mà không gây ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể. Đừng vì một số thói quen không khoa học mà phải chịu đựng những hậu quả nặng nề. Chúc các bạn sức khỏe và hạnh phúc.