Trĩ là một căn bệnh xảy ra do các tĩnh mạch xung quanh hậu môn hoặc trực tràng bị sưng lên và liên quan nhiều đến chứng táo bón. Nhiều người cho rằng căn bệnh này chỉ có thể xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh này có thể gặp ở cả những trẻ nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh trĩ ở trẻ em.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ ở trẻ em
Bệnh trĩ ở trẻ em có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Song, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm chính dưới đây.
Trẻ bị trĩ do thói quen ăn uống sinh hoạt
Đa số các trường hợp trẻ em bị căn bệnh này đều xuất hiện sau khi trẻ bị táo bón kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ ăn của bé không có đủ chất xơ, hoặc do trẻ không thích ăn rau củ quả. Khi tình trạng này kéo dài liên tục, bé sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ bởi trẻ phải rặn khi đi đại tiện.
Cùng với đó, thói quen ngồi yên một chỗ, đặc biệt là ngồi yên trên bề mặt cứng trong thời gian dài cũng có thể là thủ phạm của căn bệnh này. Bởi trong suốt thời gian đó, sự lưu thông của các mạch máu ở vùng chậu giảm đi đáng kể. Điều này cũng tương tự như khi trẻ ngồi bô quá lâu, khiến cho các tĩnh mạch hậu môn bị chèn ép và hình thành các búi trĩ. Vì vậy, bạn cần hết sức chú ý kiểm soát thời gian đi đại tiện của trẻ.
Ngoài ra, việc trẻ thường xuyên quấy khóc dữ dội cũng có thể là tác nhân dẫn đến bệnh trĩ. Bởi lẽ, khi trẻ la khóc, tuần hoàn máu sẽ bị đẩy dồn tập trung xuống vùng chậu. Do đó, áp lực lên vùng chậu sẽ bị gia tăng từ bên trong, khiến cho khu vực trực tràng bị ứ đọng máu. Đây chính là lý do hình thành nên các búi trĩ và bệnh ở trẻ.
Trẻ bị trĩ do bệnh lý và di truyền
Bên cạnh các thói quen ăn uống sinh hoạt, bệnh trĩ ở trẻ em cũng có thể đến từ các nguyên nhân bệnh lý hoặc do bẩm sinh. Trên thực tế, căn bệnh này hoàn toàn có thể di truyên từ bố mẹ và có thể nhận biết ngay trong khoảng tuần đầu sau khi sinh. Cùng với đó, các bệnh lý khác về đường ruột cũng góp phần khiến nguy cơ trẻ mắc bệnh này cao hơn ở trẻ nhỏ, ví dụ như nhiễm trùng đại tràng, viêm ruột,…
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ở trẻ em
Thông thường, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi sẽ khó nhận biết hơn do bệnh không có nhiều triệu chứng đặc trưng. Bệnh thường được phát hiện khi trẻ khám sức khỏe định kỳ hoặc do vô tình thấy. Trong những trường hợp này, trẻ thường có các biểu hiện như quấy khóc nhiều khi đi đại tiện, hậu môn hơi sưng và nhô ra khi đi vệ sinh nặng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện khi trẻ ngưng đại tiện.
Với trường hợp bệnh trĩ xảy ra với trẻ trên 3 tuổi, bệnh sẽ dễ nhận biết hơn do các triệu chứng trở nên rõ ràng và bé đã biết mô tả cảm giác của bản thân. Lúc này, trẻ thường gặp khó khăn khi đại tiện với các triệu chứng ngứa ngáy, đau rát vùng hậu môn.
Đồng thời, khu vực này còn xuất hiện các dịch nhày khiến chúng luôn ẩm ướt và có mùi hôi khó chịu. Thậm chí, khi đi vệ sinh, trẻ còn có thấy máu tươi lẫn trong giấy vệ sinh hoặc trong phân do trực tràng và hậu môn bị chảy máu. Lâu dần, các búi trĩ sẽ hình thành, phình to và có thể sa ra bên ngoài.
Ngoài cảm giác đau đớn, triệu chứng này còn đặc biệt nghiêm trọng với cả trẻ nhỏ và người lớn. Bởi lẽ, một khi búi trĩ đã sa ra ngoài thì không thể tự thụt lại được.
Cách điều trị bệnh trĩ ở trẻ em hiệu quả
Khác với người lớn, bệnh ở trẻ em thường được điều trị bằng cách phương pháp thay đổi lối sống, sinh hoạt và chăm sóc tại nhà để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, việc can thiệp y tế và các phương pháp ngoại khoa bắt buộc phải sử dụng để nhanh chóng loại bỏ các rủi ro và hậu quả không mong muốn.
Điều trị tại nhà
Khi phát hiện bệnh trĩ ở trẻ em, các bậc cha mẹ có thể thông qua các biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện các triệu chứng cho bé. Đầu tiên, hãy điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày của bé sao cho cân đối hơn. Nhớ thường xuyên bổ sung các loại rau, củ, quả để cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể. Bạn nên chọn các loại trái cây tươi ngon mà bé yêu thích để tăng khẩu vị.
Nếu bé không thích những thực phẩm này, hãy xay nhỏ thành sinh tố, nước ép hoặc chế biến thành các món ăn hấp dẫn khác. Hoặc một cách đơn giản hơn chính là sử dụng thêm các thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ cho cơ thể. Đây là điều cơ bản nhất nhưng cũng cần thiết nhất để tránh cho bé bị táo bón, từ đó giúp hạn chế tình trạng trở nặng của bệnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể trẻ. Hãy khuyến khích bé uống đủ ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Các loại nước này có thể là nước lọc, sữa, nước trái cây, nước rau, canh, nước ép rau củ quả đều được. Tuy nhiên, bạn cần tránh cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có gas hoặc caffe, bởi những loại nước này không chứa vitamin và chỉ khiến tình trạng táo bón thêm trầm trọng.
Tiếp theo, bạn cần rèn cho trẻ những thói quen tốt trong sinh hoạt. Việc tập thể dục, thể thao thường xuyên và điều độ cần được khuyến khích cho bé. Bởi, những hoạt động này có thể giúp làm tăng nhu động ruột và phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ. Tuy nhiên, nếu bé đang bị bệnh, hãy tránh cho bé đi xe đạp quá nhiều, vì việc này sẽ khiến các triệu chứng thêm trầm trọng. Cùng với đó, trẻ em nên được rèn luyện thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Tốt nhất là một lần/ngày vào thời điểm cố định. Trẻ em rất ham chơi và có thể quên điều này. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy chú ý nhắc nhở bé nhé.
Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực hậu môn là điều cực kỳ quan trọng để giúp đẩy lùi các triệu chứng. Khi mắc bệnh trĩ ở trẻ, cha mẹ nên nên rửa hậu môn cho trẻ bằng nước ấm trước khi đi ngủ và sau khi đi đại tiện, sau đó lau lại một cách nhẹ nhàng bằng khăn sạch, ẩm và mềm. Chú ý khi ngâm rửa hậu môn, không nên dùng xà phòng tại khu vực này để tránh các triệu chứng thêm trầm trọng. Mặt khác, nếu muốn giảm đau nhanh chóng chống nhiễm khuẩn, bạn có thể cho bé xông hơi từ các loại thảo dược tự nhiên từ bên ngoài như lá kinh giới, trầu không để cải thiện tuần hoàn máu khu vực này.
Điều trị y tế
Mặc dù bệnh trĩ ở trẻ em ít khi cần điều trị y tế, song một số trường hợp bệnh biểu hiện quá nặng thì điều này cũng rất cần thiết. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể cần hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc điều trị cho trẻ. Các loại thuốc này bao gồm kem trị trĩ tại chỗ không chứa corticosteroid, kem gây tê- giảm đau tại búi trĩ, thuốc giảm đau Acetaminophen để làm giảm cơn đau nghiêm trọng,…
Trong một vài trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, việc phẫu thuật có thể được chỉ định tiến hành, đặc biệt là khi bệnh xảy ra do bẩm sinh hoặc các bệnh lý di truyền từ bố mẹ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh trĩ ở trẻ em như nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã nắm được những kiến thức cần thiết về căn bệnh này. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!