Công nghiệp đóng tàu được hình thành từ năm 1990 đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – Sbic) đã đóng được 120 con tàu có nhiều chủng loại tàu hàng, tàu kéo, tàu container.Năm 2009 Vinashin chuyển sang đóng nhiều tàu mới: tàu chở dầu, tàu trở khí với trọng tải lên tới 150.000 DWT…
Ngành Công nghiệp đóng tàu Việt Nam không thể tiến xa hơn nếu các ngành Công nghiệp phụ trợ không được phát triển. Dự kiến sau năm 2015 chúng ta sẽ cung cấp được một số vật tư, máy móc thiết bị cho ngành đóng tàu đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60-70% tổng giá trị con tàu.
Ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ đóng tàu bao gồm:
– Công nghiệp chế tạo thép đóng tàu gồm: các loại thép tấm, thép hình, ống thép…
– Công nghiệp chế tạo động cơ tàu thuỷ gồm các loại động cơ Diesel cao tốc, trung tốc và thấp tốc; 4 thì và 2 thì.
– Công nghiệp chế tạo hệ thống hộp số, trục và chân vịt tàu thuỷ.
– Công nghiệp chế tạo trang thiết bị điện tàu thuỷ: Động cơ điện, khí cụ điện tàu thuỷ, cáp điện tàu thuỷ, các loại đèn công tắc, ổ cắm tàu thuỷ, các loại tủ bảng điện tàu thuỷ, các hệ thống tự động điều khiển.
– Công nghiệp chế tạo nghi khí hàng hải gồm: Rada, dò sâu, định vị vệ tinh, đo tốc độ nước, đo tốc độ và hướng gió, hệ thống thông tin liên lạc….
– Công nghiệp chế tạo thiết bị trên boong bao gồm: nắp hầm hàng, cần cẩu, tời các loại, hệ thống neo, hệ thống lái, hệ thống cứu sinh….
– Công nghiệp chế tạo máy phụ tàu thuỷ gồm: nồi hơi tàu thuỷ, các loại bơm, các loại van vòi và phụ kiện đường ống, các loại máy lọc dầu, hầm dầu, lọc nước biển, làm mát nước và dầu, sản xuất nước ngọt, hệ thống đo báo mức két….
– Công nghiệp chế tạo vật liệu phụ trong đóng tàu gồm: Sơn tàu thuỷ, vật liệu hàn, điện cực chống ăn mòn, vật liệu cách nhiệt, cách âm…
– Công nghiệp chế tạo vật liệu nội thất và trang bị nội thất tàu thuỷ.
Sbic đang đầu tư phát triển các khu công nghiệp tàu thuỷ để xây dựng các nhà máy công nghiệp phụ trợ phục vụ đóng tàu gồm:
Khu Công nghiệp Cái Lân – Quảng Ninh với các nhà máy cán nóng thép tấm đóng tàu, sản xuất thép hình, nhà máy sản xuất chi tiết, phụ kiện, kết cấu thép, nhà máy cửa tàu thuỷ…
Khu Công nghiệp An Hồng – Hải Phòng với các nhà máy sản xuất động cơ diesel, nhà máy sản xuất nồi hơi tàu thuỷ, nhà máy sản xuất nội thất tàu thuỷ và các nhà máy sản xuất các loại tời, thiết bị trên boong….
Khu Công nghiệp Lai Vu – Hải Dương: Với tổ hợp gia công cơ khí chính xác, cơ khí nặng chuyên chế tạo các loại pistong thuỷ lực, nhà máy sản xuất container, nhà máy sản xuất block tàu thuỷ, nhà máy gỗ nội thất, nhà máy chế tạo tủ bảng điện, dây cáp điện, nhà máy sản xuất các loại phụ kiện đường ống, nhà máy sản xuất dây thép cường độ cao, nhà máy sản xuất xe máy và phụ tùng tàu thuỷ….
Ngoài ra, Sbic đang thảo luận với các đơn vị công nghiệp cơ khí chế tạo trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, đặc biệt là thông qua sự phối hợp với Hiệp hội cơ khí Việt Nam đã và đang triển khai một số ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu, vật tư đóng tàu.