Viêm phế quản là một căn bệnh liên quan đến hệ hô hấp khá phổ biến và có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Vậy, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này là gì? Hướng điều trị và phòng ngừa chúng ra sao? Mời các bạn theo dõi trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu bệnh viêm phế quản
Phế quản là một hệ thống ống dẫn khí nằm ở hệ hô hấp dưới. Nó là bộ phận nằm tiếp dưới phần khí quản và phân chia thành nhiều ống nhỏ len lỏi sâu vào trong phổi. Còn viêm phế quản là khái niệm dùng để chỉ tình trạng lớp niêm mạc của bộ phận này bị viêm, thậm chí có xuất hiện mủ, khiến người bệnh liên tục cảm thấy đau rát và khó chịu ở cổ họng.
Tùy theo tình trạng và thời gian mắc bệnh, người ta chia bệnh thành hai loại khác nhau. Một là viêm phế quản cấp tính, diễn ra trong thời gian một vài ngày hoặc một vài tuần. Hai là bệnh mãn tính, tức bệnh kéo dài trong vài tháng hoặc qua vài năm.
Nguyên nhân viêm phế quản
Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào từng dạng bệnh mà bạn gặp phải.
Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính
Nguyên nhân gây ra các đợt cấp tính thường khởi nguồn từ các yếu tô nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Trong đó, có tới hơn 80% trường hợp bệnh xuất phát từ việc nhiễm các loại virus gây cảm lạnh, cảm cúm. Đặc biệt, do các chủng virus này có thể dễ dàng lây lan trong không khí và thông qua các tiếp xúc nên mọi người rất dễ bị nhiễm bệnh. May mắn thay, viêm phế quản do virus thường rất nhanh khỏi và có thể điều trị dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu bệnh để quá lâu, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị bội nhiễm vi khuẩn, khiến bệnh trở nặng và khó điều trị hơn. Trong đó, các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và H.influenzae. Tất nhiên, không phải cứ tiếp xúc với các vi khuẩn, virus là chúng ta sẽ bị bệnh ngay. Bởi, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Nếu sức đề kháng cơ thể đủ sức chống chọi thì cơ thể chúng ta vẫn khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, viêm phế quản cấp tính cũng có thể xảy ra nếu như bạn bị trào ngược dạ dày hoặc có sự thay đổi đột ngột về thời tiết. Bởi, các cơn ợ nóng của bệnh có thể khiến niêm mạc cổ họng bị kích thích, dần dần ảnh hưởng sâu hơn tới đường thở bên dưới. Điều này dẫn đến các ống phế quản bị tổn thương, gây bệnh cấp tính.
Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính
Khác với các trường hợp cấp tính, bệnh mãn tính sẽ xảy ra trong một thời gian dài, có thể vài tháng hoặc từ năm này qua năm khác. Nguyên nhân của tình trạng này đa số đều xuất phát từ các tác nhân kích thích, ô nhiễm từ môi trường sống bên ngoài như khói bụi, hóa chất,… Đó là lý do vì sao những người làm việc trong xưởng quần áo, hầm than, công trường xây dựng hay những người thợ hàn,… lại có tỷ lệ mắc phải bệnh cao hơn.
Bên cạnh đó, bệnh viêm phế quản mãn tính còn có thể đến từ chính thói quen của người bệnh. Ví dụ như thói quen hút thuốc thường xuyên, kể cả là thuốc lá điện tử. Thậm chí, ngay cả những người không hút thuốc nhưng lại thường xuyên hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn. Tất cả những tác nhân kích thích này đều khiến cho hệ hô hấp bị kích thích, khiến phổi bị ảnh hưởng và tình trạng bệnh ngày càng trở nặng. Nếu người bệnh không chú ý điều trị tận gốc, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần và có thể tiến triển thành viêm phổi.
Dấu hiệu viêm phế quản
Viêm phế quản là một căn bệnh viêm đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của nó lại khá giống với chứng cảm cúm, cảm lạnh thông thường hay các bệnh viêm đường hô hấp trên. Do đó, nếu không để ý và quan sát kỹ, người bệnh rất có thể bị nhầm lẫn và sinh tâm lý chủ quan. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của bệnh.
Ho
Giống như cảm lạnh thông thường, khi mắc bệnh, người bệnh cũng sẽ bị ho. Tuy nhiên, hiện tượng ho khan chỉ xuất hiện ở thời gian đầu, sau chuyển sang ho có đờm do tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus và vi khuẩn. Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, ta sẽ thấy dịch hô hấp khá loãng và trong. Trong khi đó, viêm phế quản do vi khuẩn sẽ khiến cơ thể ho có đờm, đồng thời đờm có thể chuyển sang màu vàng hoặc màu hơi xanh lục. Thậm chí, khi cơn ho quá nghiêm trọng, dịch đờm có thể lẫn máu. Các triệu chứng ho này kéo dài liên tục và khá dai dẳng. Nó có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, kể cả khi tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.
Đau rát cổ họng
Không phải chỉ có viêm họng mà cả bệnh viêm phế quản cũng có thể gây ra hiện tượng đau rát ở vùng này. Nguyên nhân là bởi khi mắc bệnh, niêm mạc cổ họng thường sẽ bị khô và đau, rất dễ gây kích ứng. Đặc biệt, các cơn đau rát cổ họng này sẽ tăng lên khi người bệnh nói chuyện hoặc ăn uống. Điều này khiến cho họ cảm thấy e ngại giao tiếp và gặp khó khăn trong việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Khó thở, tức ngực
Khó thở, tức ngực có thể xem là triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm phế quản, giúp phân biệt nó với các bệnh lý viêm đường hô hấp trên khác. Đặc biệt, khi người bệnh nằm xuống thì tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, người bệnh cũng hay thở khò khè thành tiếng. Khi bệnh càng nặng thì triệu chứng này càng rõ rệt. Do đó, bệnh nhân cần đi thăm khám để xử lý bệnh nhanh chóng, tránh để chúng tiến triển thêm.
Sốt cao, mệt mỏi
Ngoài các triệu chứng trên, người bị viêm phế quản cũng có thể bị sốt cao kèm theo cảm giác vô cùng mệt mỏi. Tình trạng sốt này rất giống với sốt virus nên rất dễ bị nhầm lẫn với các chứng cảm lạnh, cảm cúm. Nếu bệnh ở trẻ em, bạn có thể còn thấy bệnh nhân bị phát ban, sưng hạch bạch huyết và đỏ mắt.
Viêm phế quản có nguy hiểm, bệnh tự khỏi không?
Bệnh rất nguy hiểm và có thể tự khỏi hay không còn phụ thuộc vào từng nhóm nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở dạng cấp tính, bệnh do virus gây ra có thể tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày, khi các tác nhân gây hại không còn nữa. Bởi lẽ, đây là khoảng thời gian mà các tế bào niêm mạc phế quản tăng sinh và hồi phục, giúp hình thành nên vùng niêm mạc mới và giúp cơ thể hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, nếu như tình trạng viêm phế quản cấp có kèm theo bội nhiễm thì việc điều trị có thể khó khăn hơn. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh rất có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng bệnh mãn tính hoặc các biến chứng xấu hơn. Khi các ổ nhiễm trùng không được khắc phục, nó có thể lan rộng ra các phế nang, hình thành nên bệnh viêm phổi. Thậm chí, nguy hiểm hơn, khi có mô xung quanh phổi bị sưng tấy, viêm và có kèm theo mủ, tình trạng áp xe phổi hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là căn bệnh có thể dẫn đến tử vong, bởi nó có thể gây ra hoại tử và nhiễm trùng nghiêm trọng ở phổi.
Hướng điều trị và cách phòng ngừa viêm phế quản
Như vậy, đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào và có khả năng lây nhiễm khá cao. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị bệnh thông qua các biện pháp dưới đây.
Điều trị viêm phế quản
Nhìn chung, việc điều trị bệnh tương đối đơn giản và người bệnh rất hiếm khi cần nhập viện. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe và độ tuổi của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị cho phù hợp. Ví dụ, với bệnh cấp tính, việc điều trị thường sẽ chỉ tập trung vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng như ho, sốt,… để người bệnh dễ chịu hơn. Ví dụ: Giữ ấm cơ thể để ổn định thân nhiệt; dùng thuốc làm loãng đờm để làm hỗ trợ tống đờm ra khỏi cổ họng; làm sạch đường thở để người bệnh dễ thở hơn;… Bên cạnh đó, các loại thuốc ho cũng thường được bác sĩ kê đơn để ngăn chặn các tổn thương ở cổ họng do ho quá nhiều. Điều này cũng giúp cho người bệnh khắc phục được tình trạng mất ngủ do các cơn ho dữ dội gây ra.
Đa số các ca viêm phế quản cấp tính đều xuất phát từ sự xâm nhập của virus và không quá nguy hiểm. Sau thời gian khoảng 1 tuần, khi các tế bào niêm mạc phế quản sinh mới thì bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh có xuất hiện thêm các triệu chứng bội nhiễm vi khuẩn thì cần kết hợp thêm một số loại thuốc khác như kháng sinh để điều trị.
Với trường hợp bệnh mãn tính, việc điều trị sẽ có chút khác biệt do bệnh đã tồn tại trong thời gian khá dài. Người bệnh lúc này cần tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh như khói thuốc, khói bụi, sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm,… để cơ thể có thời gian phục hồi chức năng. Đồng thời, các loại thuốc điều trị trong các đợt bùng phát bệnh cấp cũng có thể được các bác sĩ chỉ định sử dụng. Ví dụ, điều trị kháng sinh khi có yếu tố nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc ho khi triệu chứng ho dữ dội, dai dẳng, kéo dài. Ngoài ra, nếu bệnh viêm phế quản mãn tính có kèm theo các bệnh lý như hen suyễn, dị ứng hay tắc nghẽn phổi mãn tính, các loại thuốc hít và thuốc giảm viêm cũng được sử dụng.
Riêng với viêm phế quản ở trẻ em, phác đồ điều trị bệnh có thể sẽ thay đổi ít nhiều do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu. Do đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp khác tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ ho có đờm nhiều thì cần dùng thuốc làm loãng đờm, cho trẻ uống nhiều nước và dùng dụng cụ hút đờm. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh trẻ cũng cần được đảm bảo trong lành, sạch sẽ và có nhiệt độ, độ ẩm hợp lý. Trong các trường hợp này, một số bài thuốc chữa trị theo phương pháp dân gian có thể được ưu tiên áp dụng để hạn chế tác dụng phụ. Ví dụ, sử dụng chanh, quất, mật ong, tỏi, lê, đường phèn và chế biến thành các món ăn bài thuốc cho trẻ sử dụng.
Phòng ngừa viêm phế quản
Như đã nói ở trên, viêm phế quản là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua các tiếp xúc thông thường. Vì thế, việc phòng ngừa căn bệnh này sao cho đúng cách cũng quan trọng không kém. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, khi hệ miễn dịch của cơ thể còn non yếu thì các biện pháp này càng cần thiết. Theo đó, bạn nên chú ý giữ ấm cho cơ thể trẻ và cần tránh để trẻ nhiễm lạnh, đặc biệt là khoảng thời gian thời tiết chuyển mùa. Nếu trẻ mắc phải các cơn bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan hay cảm lạnh, bạn cần lập tức chữa trị dứt điểm chúng. Bởi nếu để các căn bệnh này kéo dài, hiện tượng viêm nhiễm có thể tiến sâu xuống các cấu trúc bên trong phổi, gây ra bệnh.
Đối với người lớn, bệnh viêm phế quản có thể được phòng ngừa bằng cách tránh xa các tác nhân kích thích bên ngoài. Để làm được điều này, bạn cần tránh xa thuốc lá và hạn chế đến những nơi nhiều khói bụi, khí độc và nơi ô nhiễm. Đồng thời, giữ thói quen đeo khẩu trang khi ra bên ngoài nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc với vi khuẩn, virus và các tác nhân gây kích thích. Bên cạnh đó, việc giữ cho môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ, trong lành cũng là điều cần thiết. Nếu có thể, hãy trang bị các thiết bị làm ẩm và điều hòa không khí để giữ cho không khí xung quanh có thể duy trì độ ẩm và nhiệt độ lý tưởng. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh; sinh hoạt điều độ, hợp lý và tích cực luyện tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp. Điều này không chỉ giúp bạn nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch mà còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cực kỳ hiệu quả. Qua đó, giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Trên đây là phần tổng hợp tất cả những thông tin liên quan đến căn bệnh viêm phế quản như nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!