Khi mới chào đời, hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn rất non nớt, khả năng đề kháng kém khiến đường hô hấp rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm, ho kéo dài theo cơn. Bài viết ngày hôm nay sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách xử trí khi trẻ bị ho có đờm. Hãy cùng theo dõi nhé.
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nguyên nhân do đâu?
Ho là phản xạ có điều kiện của cơ thể nhằm loại bỏ dị vật trong đường hô hấp ra ngoài hoặc khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, virut vào đường thở. Trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh về đường hô hấp, phản xạ ho sẽ giúp làm thông thoáng đường thở và tống đờm ra ngoài.
Khi bị ho có đờm, trẻ thường rất khó chịu, thường xuyên nghẹt mũi, quấy khóc, khó thở, dẫn đến lười bú, biếng ăn và nôn trớ.
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị ho có đờm bao gồm:
- Thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh. Phổi và phế quản có thể bị thương tổn do nhiễm vi khuẩn, virut từ môi trường bên ngoài. Khi đó sẽ có cảm giác ngứa rát xuất hiện tại cổ họng và gây ra chứng ho khan, cũng có khi xuất hiện đờm trắng.
- Cảm cúm, cảm lạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản sẽ gây ảnh hưởng tới cơ quan của hệ hô hấp và gây ra hiện tượng ho ở trẻ.
- Trẻ bị mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp, những bệnh do virut như ho gà, thủy đậu, sởi,…
- Do trẻ ăn uống đồ ăn lạnh khiến cổ họng viêm đỏ và gây ho.
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm là biểu hiện của bệnh gì?
Tình trạng trẻ sơ sinh bị ho có đờm rất hay xảy ra. Tuy nhiên không vì thế mà các bậc phụ huynh chủ quan vì đây có thể là triệu chứng cảnh báo một số chứng bệnh bao gồm:
- Viêm đường hô hấp: Khi trẻ ho có đờm liên tục với tần suất nhiều thì rất có thể trẻ đã mắc viêm đường hô hấp. Các cơn ho này có thể kèm theo đờm nhầy màu vàng, xanh hoặc trắng. Khi đờm chuyển màu xanh nghĩa là đường hô hấp đang bị viêm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời.
- Viêm phế quản: Nếu trẻ có dấu hiệu ho nhiều đờm, bỏ bú, khó thở thì có thể trẻ đang bị viêm phế quản, tiểu phế quản (viêm phế quản co thắt hoặc viêm phế quản cấp), nguy hiểm hơn có thể là viêm phổi. Bệnh lý này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hệ hô hấp, nặng nề hơn có thể đe dọa tính mạng.
- Dị ứng, hen suyễn: Trường hợp trẻ sơ sinh bị ho có đờm kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần có thể là dấu hiệu của dị ứng bẩm sinh với các tác nhân từ môi trường như lông động vật, khói thuốc, phấn hoa,… Nguy hiểm hơn có thể là hen suyễn.
- Hen phế quản: Ho dai dẳng kéo dài kèm theo đờm đặc, ho nhiều về đêm, ho có kèm theo tiếng rít.
- Dị tật phế quản bẩm sinh, dị vật tại đường thở cũng có thể dẫn đến chứng ho có đờm.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Ho nhiều khi ăn xong hoặc khi nằm là dấu hiệu gợi ý chứng trào ngược dạ dày thực quản. Các triệu chứng đi kèm khác bao gồm ợ chua, nôn mửa.
Các chứng bệnh trên khi được chẩn đoán và xử trí kịp thời thì không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều tổn hại đối với hệ hô hấp. Vì bệnh thường tiến triển nhanh và có thể gây nhiều biến chứng phức tạp, nhất là với trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.
Hướng xử trí tình trạng trẻ sơ sinh bị ho có đờm
Thông thường với người lớn, chúng ta vẫn hay sử dụng thuốc kháng sinh khi đã xác định được căn nguyên gây ho có đờm. Còn đối với trẻ sơ sinh, chúng ta không được dùng kháng sinh vì có thể gây nhiều tác dụng ngoài ý muốn và tác động xấu tới quá trình phát triển của bé.
Do vậy, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách sau đây để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị ho có đờm:
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh đường thở: Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ thường xuyên nhằm loại bỏ dị nguyên, dịch tiết giúp làm thông thoáng khoang mũi và làm dịu niêm mạc đường hô hấp.
- Sử dụng quất và đường phèn: Bạn cắt nhỏ 2 đến 3 quả quất xanh và hấp cách thủy với một chút đường phèn từ 15 đến 20 phút. Để cho hỗn hợp nguội bớt rồi sử dụng cho bé, mỗi ngày 3 lần, lần cho bé uống 1 thìa cà phê. Cách làm này sẽ giúp long đờm, giảm ho, kháng khuẩn và kháng viêm.
- Sử dụng lá hẹ: Lá hẹ sau khi rửa sạch thì cho vào chén, đem hấp cách thủy cùng đường phèn trong 15-20 phút sau đó chắt lấy phần nước. Cho bé uống nước này 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 đến 3 thìa cà phê.
- Vỗ lưng cho trẻ: Phụ huynh khum bàn tay lại vỗ nhẹ vào lưng bé để giúp long đờm tại phế quản và tăng cường tuần hoàn máu tại phổi. Lưu ý không vỗ vào khu vực dạ dày hay xương sống mà chỉ vỗ tại vị trí phổi. Không thực hiện cách này khi bé vừa ăn xong.
- Tắm với tinh dầu tràm: Cho một ít tinh dầu tràm vào chậu nước ấm để tắm cho bé. Mùi hương của tinh dầu tràm sẽ giúp giảm thiểu chứng ho liên tục cũng như ho có đờm. Sau khi tắm, bạn cũng có thể dùng tinh dầu này thoa lên bàn chân, bàn tay và cổ nhằm làm nóng, giữ ấm cho cơ thể bé.
- Giúp bé giữ vệ sinh cá nhân, lau rửa sạch sẽ miệng, mũi, tay cho bé để tránh sự xâm nhập của virut, vi khuẩn.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trẻ sơ sinh bị ho có đờm là một tình trạng thường gặp và không quá nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để xác định rõ nguyên nhân gây ho từ đó đưa ra hướng xử trí phù hợp. Sau khi đã áp dụng các biện pháp cải thiện cơn ho tại nhà mà tình trạng của trẻ không đỡ hoặc có biểu hiện nặng hơn, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ để thăm khám và tư vấn.