Về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam
_________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Kết luận số 81-KL/TW ngày 06 tháng 8 năm 2010 của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến góp ý của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17 tháng 11 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Tập đoàn) với những nội dung sau đây:
1. Mục tiêu:
Sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
2. Yêu cầu:
– Không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế;
– Duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
Bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp;
– Khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.
3. Thời gian tái cơ cấu: năm 2011 – 2013.
4. Mô hình tập đoàn sau khi tái cơ cấu:
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận chung của Tập đoàn.
a) Công ty mẹ: là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
b) Các công ty con:
– Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu;
– Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng;
– Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Phà Rừng;
– Công ty Đóng tàu Hạ Long;
– Công ty Đóng tàu Cam Ranh;
– Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn;
– Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn;
– Công ty Chế tạo động cơ Diesel Bạch Đằng;
– Công ty Thép Cái Lân;
– Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy;
– Công ty Công nghiệp tàu thuỷ và Xây dựng Sông Hồng;
– Công ty Đóng tàu 76;
– Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại;
– Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy và Vận tải Cần Thơ;
– Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.
c) Công ty liên doanh:
– Công ty TNHH Sejin – Vinashin;
– Công ty TNHH Songsan – Vinashin.
d) Công ty liên kết: Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin.
đ) Đơn vị sự nghiệp:
– Viện Khoa học Công nghệ Tàu thuỷ;
– Trường cao đẳng nghề Vinashin.
5. Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp còn lại trong tổ hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hiện nay theo các hình thức: cổ phần hoá, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản… Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chủ động thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp này một cách linh hoạt về hình thức và thời gian, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu đã nêu trên.
6. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam áp dụng cơ chế, chính sách liên quan trong lĩnh vực đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan và thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu mà Thủ tướng Chính phủ giao đối với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.
2. Bộ Giao thông vận tải:
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam theo quy định tại Điều 1 Quyết định này;
– Giám sát việc thực hiện theo pháp luật, mục tiêu, yêu cầu, thời hạn tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam; kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;
– Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020.
3. Bộ Tài chính:
– Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam trong việc cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ, cân đối các nguồn vốn trả nợ, việc huy động và sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư; rút vốn bằng thương hiệu;
– Xác định lại mức vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
– Chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn đăng ký doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu;
– Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại dự án đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư của Tập đoàn theo quy định của pháp luật về đầu tư;
– Hướng dẫn Tập đoàn xây dựng quy chế quản trị nội bộ, đổi mới tổ chức quản trị doanh nghiệp có hiệu lực, hiệu quả.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu tài chính Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
6. Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam:
– Tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo Quyết định này, theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan liên quan;
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác trong quá trình sắp xếp nêu tại điểm 5 Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam; Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.