Viêm teo niêm mạc dạ dày là biểu hiện nặng của một số bệnh lý mạn tính liên quan đến dạ dày. Ở giai đoạn đầu, quá trình viêm teo thường không có biểu hiện rõ rệt nên thường không được phát hiện sớm. Bệnh tiến triển âm thầm và làm nguy cơ loét dạ dày, ung thư dạ dày tăng lên. Để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Tìm hiểu viêm teo niêm mạc dạ dày
Viêm teo niêm mạc dạ dày là hiện tượng viêm lớp niêm mạc trong dạ dày kéo dài nhiều năm (viêm mạn tính) gây thiếu hụt dưỡng chất cùng nhiều vấn đề khác về tiêu hóa.
Tình trạng viêm thường diễn ra do tác động của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây là loại vi khuẩn có khả năng phá hủy lớp màng bảo vệ của niêm mạc dạ dày tránh các ảnh hưởng từ dịch tiêu hóa, dịch vị do một số tế bào trong dạ dày tiết ra nhằm tiêu hóa thức ăn. Quá trình viêm này sẽ phá hủy dần các tế bào của lớp niêm mạc nếu không được chữa trị kịp thời và triệt để.
Một số trường hợp khác, tình trạng viêm teo xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào bình thường tại lớp niêm mạc dạ dày.
Nguyên nhân dẫn tới viêm teo niêm mạc dạ dày
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tác động của vi khuẩn HP trong dạ dày. Có tới 50% người bệnh viêm teo dạ dày liên quan tới nhiễm khuẩn HP trong thời gian dài.
Hiện tượng nhiễm khuẩn này thường diễn ra từ lúc còn nhỏ và trong giai đoạn đầu sẽ không có biểu hiện bệnh. Quá trình viêm nhiễm sẽ tiến triển và nặng lên theo thời gian gây ra viêm teo niêm mạc. Bệnh lý này nếu không được can thiệp đúng cách sẽ dẫn tới loét dạ dày, nghiêm trọng hơn là ung thư dạ dày.
Bệnh nhân có thể bị nhiễm vi khuẩn HP theo nhiều đường như:
- Tiêu thụ thực phẩm nuôi trồng bởi nguồn nước bị ô nhiễm
- Uống phải nguồn nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn
- Tiếp xúc trực tiếp với chất nôn, phân hoặc nước bọt của bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP.
Một nguyên nhân gây viêm teo niêm mạc dạ dày khác là do di truyền (trường hợp viêm teo dạ dày tự miễn). Trong trường hợp này, hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ sản xuất ra kháng thể và tấn công nhầm vào các tế bào bình thường của niêm mạc dạ dày, đặc biệt là các tế bào có chức năng tiết axit để tiêu hóa thức ăn.
Những kháng thể trên cũng tiêu diệt “đối tượng” khác đó là yếu tố nội tại, đây là một dạng protein được tiết ra từ tế bào dạ dày nhằm hấp thụ vitamin B12. Yếu tố nội tại này khi bị thiếu hụt sẽ dẫn đến thiếu máu ác tính. Bệnh lý này làm cho cơ thể gặp khó khăn hoặc mất đi khả năng sản xuất đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, một số chứng bệnh khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm teo niêm mạc trên, điển hình là:
- Bệnh Addison
- Bệnh bạch biến
- Bệnh đái tháo đường tuýp I
- Bệnh lý về tuyến giáp
Tất cả các trường hợp viêm teo niêm mạc dạ dày đều khiến nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng lên đáng kể. Do đó, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đi khám bác sỹ ngay khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường.
Những triệu chứng viêm teo niêm mạc dạ dày
Thông thường, bệnh nhân không hề biết bản thân đang bị viêm teo niêm mạc do chúng không có biểu hiện đáng chú ý. Vì vậy, chứng bệnh này thường không được phát hiện, chẩn đoán sớm và sẽ tiến triển âm thầm trong vòng nhiều năm.
Các biểu hiện bệnh có khi không giống nhau ở mỗi người và còn phụ vào yếu tố gây viêm.
Đối với trường hợp bệnh do vi khuẩn (chẳng hạn như Helicobacter pylori) bệnh nhân có thể có các biểu hiện như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Chán ăn
- Đau bụng
- Loét dạ dày
- Thiếu máu do thiếu sắt
Với trường hợp viêm teo niêm mạc dạ dày tự miễn, bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng thiếu máu ác tính, thiếu vitamin B12, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau tức ngực
- Chóng mặt
- Ù tai
- Tim đập nhanh
- Choáng váng
Một số trường hợp bệnh nhân bị thương tổn thần kinh do thiếu vitamin B12 với các triệu chứng:
- Tê hoặc ngứa ran ở chân, tay
- Mất thăng bằng. Đi không vững
- Lũ lẫn
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày
Phương pháp chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày
Để chẩn đoán chính xác được bệnh lý này cần phải dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bác sỹ sẽ dùng tay ấn nhẹ vào các vùng nhất định ở khu vực dạ dày. Đồng thời cũng hỏi, quan sát các biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin B12 như mạch nhanh, xanh xao hay suy nhược thần kinh.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được chỉ định nội soi dạ dày và tiến hành các xét nghiệm mô bệnh học.
Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP, bác sỹ sẽ đưa ra chỉ định kiểm tra hơi thở. một số trường hợp sẽ cần tiến hành xét nghiệm thêm máu nhằm kiểm tra:
- Nồng độ vitamin B12
- Nồng độ pepsinogen
- Lượng Hormone gastrin
- Yếu tố nội tại và kháng thể phá hủy tế bào tại niêm mạc dạ dày
Chữa trị viêm teo niêm mạc dạ dày
Theo số liệu thống kê, hầu hết bệnh nhân đều có tình trạng sức khỏe tốt lên, các triệu chứng bệnh cũng được cải thiện rất tốt sau quá trình điều trị.
Việc điều trị chứng bệnh này chủ yếu tập trung vào mục đích loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn HP bằng cách dùng kháng sinh. Ngoài ra, bác sỹ cũng có thể chỉ định thêm các thuốc trung hòa hoặc làm giảm lượng axit tiêu hóa trong dạ dày và giúp niêm mạc dạ dày nhanh lành hơn
Các bệnh nhân viêm teo dạ dày tự miễn thường được trị liệu bằng cách tiêm bổ sung vitamin B12. Biện pháp này giúp phòng ngừa và chữa trị những biến chứng của hiện tượng thiếu vitamin B12. Bên cạnh đó, bác sỹ cũng không quên đảm bảo lượng sắt cần thiết cho cơ thể bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể bổ sung cho cơ thể lượng vitamin B12 cần thiết thông qua các thực phẩm như: Sữa chua, sữa, ngũ cốc, trứng, sò, các loại cá béo, thịt bò,…
Phòng tránh viêm teo niêm mạc dạ dày
Viêm teo niêm mạc dạ dày là một chứng bệnh khá khó khăn trong việc phòng tránh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP (nguyên nhân gây bệnh hàng đầu) bằng cách thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số điều bạn cần lưu ý để phòng ngừa việc lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh đó là:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, chế biến đồ ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Sơ chế thực phẩm sạch sẽ, an toàn, vệ sinh bằng cách rửa thật sạch nguyên liệu trước khi ăn hay chế biến.
- Tuyệt đối không ăn, uống những thực phẩm không đảm bảo điều kiện vệ sinh hoặc nguồn gốc không rõ ràng.
- Nên mang theo nước đóng chai để uống khi đi du lịch hay tới những nơi điều kiện vệ sinh không tốt, môi trường bị ô nhiễm.
- Bạn cũng nên vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ em, sau khi dọn rửa các chất thải của trẻ (chất nôn, khăn ăn, tã, phân, nước tiểu).
Mong rằng với các thông tin trong bài viết trên đây, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về chứng viêm teo niêm mạc dạ dày để có thể phát hiện, chữa trị kịp thời và bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.