Khi thay đổi thời tiết, vì hệ miễn dịch còn chưa phát triển hết dẫn đến trẻ bị viêm phế quản với những dấu hiệu như ho, khó thở, sổ mũi. Đây là bệnh lý thường gặp với tỉ lệ khá cao ở trẻ nhỏ, do đó các bậc cha mẹ cần nắm được nguyên nhân, triệu chứng nhận biết cũng như cách chăm sóc đúng để phát hiện kịp thời và giúp bé mau khỏi bệnh.
Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ
Căn bệnh này thường xảy ra do nhiễm virut, phổ biến nhất là virut influenz. Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi là đối tượng rất dễ gặp phải chứng bệnh này. Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất rơi vào nhóm trẻ em 1 tuổi.
Một số loại virut khác cũng có thể dẫn đến bệnh đó là:
- Respiratory syncytial – RSV: Virut hợp bào hô hấp
- Virut parainfluenza gây nên chứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới và kéo theo viêm phế quản.
- Virut sởi, cúm
- Virut adeno: Thường khiến phế quản phổi bị co thắt dẫn đến hiện tượng hoại phổi.
Trẻ có thể nhiễm các loại virut trên từ không khí hoặc các bề mặt của vật dụng, đồ chơi,… Ngoài thủ phạm chính là virut ra, trẻ cũng có thể mắc chứng bệnh này do hiện tượng dị ứng, nhiễm khuẩn,… diễn ra lâu ngày.
Bên cạnh đó, các yếu tố sau đây cũng làm cho nguy cơ mắc bệnh của trẻ tăng lên:
- Thường xuyên hít phải khói thuốc lá
- Sống trong môi trường có nấm mốc và độ ẩm cao
- Bị dị ứng với lông động vật, bụi nhà, phấn hoa
- Trẻ bị thừa cân, béo phì
- Trẻ bị có hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc tiền sử gia đình có người bị hen suyễn.
Biểu hiện trẻ bị viêm phế quản
Trong giai đoạn đầu khi bệnh mới khởi phát, trẻ thường có biểu hiện kém chơi, kém ăn vì sổ mũi, ngạt mũi, khó thở, ho có đờm hoặc ho khan. Trẻ cũng có thể xuất hiện sốt nhẹ và tiêu chảy.
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn toàn phát, thông thường sẽ là 3 ngày sau khi khởi phát bệnh. Trẻ có biểu hiện sốt cao, thân nhiệt từ 38 đến 40 độ, kèm theo ho nhiều và có đờm vàng hoặc xanh. Trẻ có thể bị khó thở hoặc thở khò khè. Hiện tượng ho liên tục có thể khiến bé bị nôn trớ.
Khi nhận thấy các biểu hiện viêm phế quản ở trẻ nặng, phụ huynh cần đưa trẻ tới gặp bác sỹ ngay để có thể kịp thời xử trí. Các biểu hiện nặng cụ thể là:
- Sốt cao: Bé sốt từ 39 độ trở lên, thuốc hạ sốt không phát huy tác dụng hoặc có dấu hiệu co giật.
- Ho theo từng cơn kéo dài dai dẳng, có biểu hiện đỏ bừng mặt khi ho (ho gà). Trẻ ngủ li bì rất khó đánh thức và có thể bỏ bú.
- Tím tái, khó thở.
Cha mẹ, người thân cần đánh giá triệu chứng khó thở ở trẻ bằng việc đếm nhịp thở lúc trẻ ngủ hoặc nằm yên trong 1 phút, để tránh sai sót thì nên đếm từ 2 đến 3 lần. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mức độ khó thở, thở nhanh của bé được quy định như sau:
- Nhịp thở 60 lần/phút trở lên đối với trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
- Nhịp thở 50 lần/phút trở lên đối với trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi.
- Nhịp thở 40 lần/phút trở lên đối với trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.
Trẻ bị viêm phế quản có nguy hiểm không, bao lâu thì khỏi?
Trẻ bị bệnh thông thường sẽ không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi trong 3 tuần mà không phải điều trị y tế. Tuy nhiên nếu không theo dõi, phát hiện và chữa trị kịp thời thì có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần, các ổ viêm không được chữa trị triệt để sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, viêm giãn phế quản, suy hô hấp cấp và thậm chí là tử vong.
Một biến chứng nữa có thể gặp ở trẻ nhỏ là viêm phế quản bít tắc. Cũng có khi, bệnh cấp tính là tiền đề cho bệnh hen phế quản
Hướng chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Để tình trạng bệnh không tiến triển xấu đi và giúp bé nhanh hồi phục. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên bằng cách:
- Cho bé uống nhiều nước ấm để cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp, giúp bé dễ ho, dễ dàng tống đờm ra ngoài và phòng tránh tình trạng mất nước.
- Sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để vệ sinh mũi thường xuyên cho bé bằng cách nhỏ từ 1 đến 2 giọt vào mũi bé và lau sạch bằng khăn.
- Giúp bé hạ sốt bằng cách phương pháp chườm ấm toàn cơ thể. Chườm ấm có thể giúp thân nhiệt của bé giảm tới 1 độ C. Có thể cho bé dùng thuốc paracetamol để hạ sốt nếu bé sốt cao từ 38,5 độ trở lên nhưng cần phải tham khảo ý kiến của bác sỹ.
- Không nên cho bé uống thuốc giảm ho hoặc cảm cúm mà không có chỉ định của bác sỹ. Ho sẽ giúp tống đờm ra ngoài, làm bé dễ chịu hơn và tình trạng bệnh cũng nhanh chóng thuyên giảm hơn.
- Cho bé gối cao đầu khi nằm chơi hoặc ngủ để giúp bé dễ thở hơn.
- Khói bụi, không khí lạnh có thể khiến đường hô hấp của bé bị kích ứng. Vì vậy, phụ huynh cần lau dọn nhà cửa sạch sẽ, giữ nhiệt độ trong phòng ở mức vừa phải và tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá để bé phục hồi nhanh hơn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm, đặc biệt là nếu khu vực bạn sinh sống có không khí khô.
- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Bạn có thể cho bé uống mật ong để giảm cơn ho gây ra bởi bệnh. Có thể pha mật ong với nước ấm hoặc uống trực tiếp.
Trẻ bị viêm phế quản thường không quá nguy hiểm và có thể bình phục nhanh chóng nếu có thể phát hiện kịp thời và xử lý đúng cách. Mặc dù vậy, bệnh cũng có thể chuyển biến nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Cha mẹ và người thân cần nắm được các biểu hiện nghiêm trọng của bệnh để kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị một cách toàn diện nhất.