Viêm phổi là một bệnh phổ biến liên quan đến đường hô hấp, thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong độ tuổi dưới 5. Vậy bệnh viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không, triệu chứng thường gặp ra sao, cách khắc phục như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung ngay sau đây.
Triệu chứng viêm phổi trẻ em
Đây là tình trạng nhiễm khuẩn ở phổi do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Từ đó tác động trực tiếp đến chức năng trao đổi khí và các biến chứng khác có thể xuất hiện.
Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ em, bởi hệ hô hấp ở nhóm đối tượng này khá yếu.
Theo thống kê gần đây nhất của WHO và UNICEF thì trên thế giới có đến gần 2 triệu trẻ em tử vong mỗi năm do viêm phổi. Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em nhập viện vì bệnh chiếm đến 25% trong tổng số ca bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp.
Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em thường do các nguyên nhân như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, đôi khi có thể do hít phải khí độc hoặc sặc phải các hoá chất. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường sống, điều kiện vệ sinh kém cũng là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng viêm phổi ở trẻ nhỏ.
Nếu thấy trẻ gặp một số triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần quan sát và đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Có thể ho nhiều hoặc ít, tiếng ho trầm nặng, ho có thể xuất hiện giữa hoặc cuối kỳ bệnh.
- Nhịp thở tăng nhanh hơn so với lúc bình thường.
- Một số trẻ gặp phải tình trạng sốt cao khoảng 38.5 độ C. Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ có hệ miễn dịch yếu thì có thể không sốt hoặc thậm chí giảm thân nhiệt.
- Thở khó khăn, thở phập phồng cánh mũi, cơ liên sườn và hõm ức lõm vào khi hít thở.
- Xuất hiện các cơn đau ngực, trẻ ôm ngực khi ho
- Trẻ ăn kém, mệt mỏi, không chơi, quấy khóc
- Nôn ói
- Môi, mắt, chân tím tái, trong trường hợp nghiêm trọng thậm chí xuất hiện các cơn co giật, dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ em bị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cả khi chụp X-quang. Bởi vậy, bố mẹ cần quan sát và lắng nghe nhịp thở của trẻ để phát hiện bệnh sớm nhất. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhịp thở nhanh cũng được xác định theo những thông số khác nhau. Cụ thể:
- Trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh được xác định từ 50 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, thở nhanh khi 40 lần/phút trở lên.
Viêm phổi ở trẻ em phải làm sao?
Đối với những người lần đầu làm bố mẹ việc chăm sóc cho trẻ khi bị bệnh, đặc biệt là viêm phổi sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị bằng những phương pháp thích hợp. Tuyệt đối, không tự ý điều trị tại nhà vì có thể dẫn đến một số biến chứng khó lường.
Trong trường hợp vì nguyên nhân nào đó bạn chưa thể đưa con đến thăm khám tại cơ sở y tế, bệnh viện thì có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ nhằm giảm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự tiến triển mạnh hơn của viêm họng như: giữ ấm cơ thể, tránh để trẻ vận động nhiều, ăn uống đủ chất, đặc biệt là hỗ trợ trẻ khi bị ho.
Một số phương pháp được thực hiện khi trẻ bị ho mà bố mẹ có thể áp dụng gồm:
- Cho trẻ đứng hoặc ngồi thẳng lưng, đầu hơi ngả về trước.
- Khum bàn tay lại tiến hành massage và vỗ nhẹ lên vùng phổi sau lưng
- Khi trẻ bắt đầu có phản xạ ho thì ngưng vỗ và đợi trẻ ho xong sau đó tiếp tục vỗ.
- Hướng dẫn trẻ ho mạnh và sâu bằng cách hóp bụng hết cỡ rồi bắt đầu ho
- Lặp lại 3 – 5 lần cho đến khi tống được 1 lượng đờm tương đối. Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý không thực hiện quá lâu vì sẽ khiến trẻ mất sức.
Hạ sốt cho trẻ:
- Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).
- Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với trẻ nhỏ và sơ sinh bị viêm phổi thì cần can thiệp bằng hút đờm.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ:
- Với trẻ sơ sinh: Đảm bảo cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Với trẻ nhỏ: Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm rau xanh, hoa quả, đặc biệt là nhóm trái cây có múi tăng vitamin C; các thực phẩm giàu năng lượng như: Thịt, cá tăng lượng đạm, omega-3…trong các bữa ăn
- Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, dễ nuốt, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
- Bổ sung nước đầy đủ
Chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bị viêm phổi:
Bố mẹ cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cho trẻ và môi trường sống bởi điều này cũng tạo điều kiện để trẻ nhanh khỏi bệnh.
- Vệ sinh mũi miệng: dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ sẽ làm cho vi khuẩn, virus bám trên khăn quay trở lại tấn công trẻ.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ: rửa tay cho trẻ thật sạch bằng xà bông sau khi trẻ đi vệ sinh, chơi đồ chơi, trước khi ăn để đảm bảo loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, bố mẹ cần có kế hoạch vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đồ chơi của trẻ một cách thường xuyên.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ em, hy vọng với những kiến thức này sẽ giúp bố mẹ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc trẻ khi bị bệnh. Tuy nhiên, để được chẩn đoán bệnh và điều trị triệt để, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đưa con đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.