Hen phế quản bội nhiễm là hệ quả của bệnh hen suyễn, diễn ra trên nền bệnh hen phế quản khi cơ quan này bị nhiễm khuẩn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về triệu chứng, biến chứng cũng như cách điều trị chứng bệnh qua bài viết sau đây.
Tìm hiểu hen phế quản bội nhiễm
Bội tức là nhiều, nhiễm nghĩa là nhiễm trùng, thấm vào, lây sang. Chúng ta có thể hiểu bội nhiễm là bên cạnh bệnh lý chính, bệnh nhân còn bị nhiễm thêm các loại vi khuẩn, vi trùng khác.
Hen phế quản bội nhiễm là hiện tượng nhiễm trùng hô hấp diễn ra trên nền bệnh lý hen suyễn và khởi phát sau mỗi đợt bệnh thể cấp. Đây là diễn biến nặng của chứng hen thông thường. Các trường hợp bệnh luôn ở trong tình trạng đường hô hấp viêm mạn tính kèm theo tăng mức độ đáp ứng của phế quản với một số yếu tố ngoại lai và nội sinh, co thắt cơ trơn, niêm mạc phù nề, phế quản tăng xuất tiết.
Nếu mắc thêm cả tình trạng bội nhiễm, những ổ nhiễm trùng có thể đi xuống phế nang và nhu mô phổi gây nên hiện tượng viêm phổi cũng như các cơ quan khác của hệ hô hấp khiến việc chữa trị chứng bệnh vốn dĩ đã khó khăn nay còn phức tạp hơn nhiều.
Hen phế quản bội nhiễm thường diễn ra trên nền bệnh hen suyễn bởi những yếu tố sau đây:
- Độ ẩm không khí tăng cao, thay đổi thời tiết đột ngột tạo cho vi khuẩn cơ hội thuận lợi để sinh sôi, làm khởi phát các đợt cúm, gây viêm tai – mũi – họng và đường hô hấp khiến người bệnh dễ gặp biến chứng hơn.
- Hiện tượng nhiễm độc phổi làm suy giảm khả năng đề kháng của phổi từ đó dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Môi trường bị ô nhiễm cũng chứa một lượng vi khuẩn lớn gây bệnh về hô hấp, nếu làm việc hoặc sinh sống trong môi trường này, nguy cơ bội nhiễm sẽ tăng cao đối với bệnh nhân cố tiền sử hen suyễn (hen phế quản).
- Bệnh nhân mắc bệnh không được điều trị , kiểm soát sẽ dẫn đến suy yếu hệ hô hấp, làm hệ quan này dễ bị tấn công hoặc kích thích bởi những tác nhân từ môi trường ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của vi khuẩn, từ đó gây bội nhiễm đường hô hấp.
- Ở trẻ em, một đợt bội nhiễm có thể làm khởi phát chứng hen suyễn. Trước đó hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng của hen, trẻ chỉ được xác định mắc bệnh thể bội nhiễm khi các biểu hiện của đợt hen cấp kèm theo nhiễm khuẩn biểu hiện rầm rộ.
Dấu hiệu hen phế quản bội nhiễm
Bên cạnh những biểu hiện của chứng hen thông thường thì bệnh hen phế quản bội nhiễm còn xuất hiện với nhiều dấu hiệu do hiện tượng nhiễm khuẩn gây ra như:
- Đau rát họng, ho.
- Có đờm trong họng. Đờm có màu vàng, xanh hoặc màu nâu như rỉ sắt và kèm theo cả mủ.
- Đau tức ngực, nhất là sau các cơn ho.
- Thở khò khè, thở rít, khó thở.
- Sốt từ nhẹ tới sốt cao. Trẻ nhỏ thường có biểu hiện sốt cao hơn người trưởng thành.
Các biểu hiện kèm theo có thể là sổ mũi, hắt hơi trước khi bắt đầu những cơn hen cấp với những dấu hiệu điển hình như nặng ngực, khó thở, khò khè, ho. Lúc này, dịch hô hấp của bệnh nhân sẽ chứa vi khuẩn, tình trạng ứ đọng dịch tiết hệ hô hấp cũng diễn ra đồng thời khiến quá trình lưu thông dịch bị cản trở gây nên nhiều ổ nhiễm khuẩn trong phế nang, hiện tượng này nếu diễn ra trong thời gian dài mà không được chữa trị sẽ kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng hen phế quản bội nhiễm
Bệnh đa phần không đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Khí phế thũng: Hay còn gọi là giãn phế nang. Đây là tình trạng các phế nang của phổi bị mất khả năng co giãn, đàn hồi nên sẽ dần yếu đi, mỏng và rất dễ vỡ. Cùng với đó, độ đàn hồi của các mô phổi cũng kém đi làm không khí bị nằm lại tại phế nang, khả năng trao đổi khí giảm đi làm bệnh nhân thở ít, khó thở, các đầu chi, môi bị tím tái và kho khạc đờm ngày càng nhiều hơn.
- Viêm phế quản: bệnh lý này thường xuất hiện với các biểu hiện khó thở, sốt, đờm nhiều (đờm màu xanh hoặc vàng) do hiện tượng nhiễm khuẩn. Khi diễn ra cùng bệnh nền là hen phế quản, bệnh ngày có diễn biến rất phức tạp và khó chữa trị.
- Tâm phế mạn tính: Là hiện tượng giãn và phì đại tâm thất phải thứ phát vì tăng áp lực tại động mạch phổi. Biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm tím tái cơ thể, khó thở, gan có thể mấp mé ở bờ sườn hoặc to lên.
- Suy hô hấp: đây là tình trạng diễn ra khi lượng oxy cung cấp cho cơ thể không đủ để duy trì sự sống của của các mô cấu trúc, tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Biểu hiện của tình trạng này là: tím tái mặt mày, thở nhanh, khó thở. Suy hô hấp là một trong các nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân hen suyễn.
- Xẹp phổi: biến chứng này cũng vô cùng nguy hiểm đối với bệnh nhân hen phế quản bội nhiễm. Xẹp phổi làm sự giãn nở của nhu mô phổi bị mất hoặc giảm đi bởi hiện tượng xẹp phế nang, làm giảm thể tích phổi.
- Tràn khí màng phổi: là hiện tượng giãn rộng phế nang, mạch máu trở nên thưa hơn và áp lực từ các phế nang tăng lên nhanh chóng. Khi bệnh nhân lao động quá mức hoặc hô, thành phế nang có nguy cơ cao bị bục vỡ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong.
Điều trị hen phế quản bội nhiễm
Để chữa trị bệnh lý này thì cần phải dùng kháng sinh để chấm dứt tình trạng bội nhiễm, dùng các thuốc làm giảm triệu chứng và duy trì thuốc chữa trị bệnh được bác sỹ chỉ định. Các thuốc chữa trị chứng bệnh này gồm 2 nhóm chính là thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn hen.
Trong điều trị hen phế quản bội nhiễm, các thuốc thường được áp dụng là:
- Thuốc kháng sinh: Đây là lựa chọn hàng đầu đối với bệnh nhân hen phế quản bội nhiễm do vi khuẩn. Việc lựa chọn loại kháng sinh thường dựa vào kinh nghiệm của bác sỹ hoặc kết quả kháng sinh đồ. Các kháng sinh thường được áp dụng gồm có cephalosporin thế hệ 2, cephalosporin thế hệ 3, fluoroquinolon,…
- Thuốc điều trị nhiễm khuẩn: Thuốc giảm ho, bù nước, hạ sốt,…
- Thuốc cắt cơn hen: Là các thuốc giãn phế quản (đường dẫn khí) tác dụng nhanh (ngắn) như terbutalin, fenoterol, salbutamol. Thuốc này chỉ sử dụng khi xuất hiện cơn khó thở, tuyệt đối không lạm dụng và luôn mang theo thuốc bên mình để kịp thời xử trí trường hợp khẩn cấp.
- Thuốc dự phòng: Thuốc này bao gồm 3 nhóm chính là thuốc dự phòng cơn hen, thuốc giãn đường thở tác dụng kéo dài và corticosteroid dạng hít.
Phòng ngừa bệnh hen phế quản bội nhiễm
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, mỗi người nên thực hiện tốt các việc sau đây để dự phòng bệnh:
- Các đối tượng dễ mắc phải tình trạng viêm nhiễm như người già, trẻ em, người bị suy giảm hệ miễn dịch cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để góp phần nâng cao khả năng đề kháng.
- Tránh xa các yếu tố gây dị ứng.
- Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ.
- Bệnh nhân nên tiêm phòng cúm, phế cầu theo đúng lịch.
Trên đây là các thông tin về bệnh hen phế quản bội nhiễm mà chúng tôi đã tổng hợp được, mong rằng chúng sẽ có ích cho bạn trong việc phòng ngừa, phát hiện, điều trị bệnh. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.