Ăn gì chữa ho là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra vì ho là triệu chứng rất thường xuyên xảy ra ở bất kì đối tượng nào. Vậy người bị ho nên ăn gì, kiêng gì? Những món ăn nào chữa ho hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Người bị ho nên ăn gì?
Thông thường triệu chứng ho có đờm, ho khan,… sẽ gây viêm họng, ngứa họng dài ngày không khỏi. Phần lớn nguyên nhân gây ho là tình trạng thương tổn tại phổi khi cơ thể nhiễm lạnh. Cơn ho có thể diễn ra khi thay đổi thời tiết, đi chân trần, tiếp xúc với không khí lạnh,… bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân cũng cần chú tới khẩu phần ăn để góp phần cải thiện bệnh.
Sau đây là các thực phẩm người bị ho nên ăn, hãy cùng tham khảo ngay nhé:
- Các loại thịt lợn, thịt bò được băm nhỏ hoặc chế biến mềm, các loại rau củ màu đỏ, xanh như cà chua, cà rốt, rau cải, súp lơ,… vì những loại thực phẩm này rất giàu vitamin A, sắt và kẽm có lợi cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.
- Các loại hải sản có vỏ bao gồm sò, ngao,…cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng nhờ hàm lượng kẽm cao.
- Các loại trái cây như táo, xoài, ổi, dứa, bưởi, chanh, cam,… chứa hàm lượng vitamin C cao giúp tăng khả năng đề kháng cho cơ thể, thải bỏ độc tố và đẩy lùi bệnh tật. Nên ăn những trái cây này sau bữa ăn chừng 1 tiếng vì ăn khi đói sẽ gây hại cho dạ dày.
- Khi bị ho, bệnh nhân cũng có thể dùng các loại kẹo ngậm ho bạc hà giúp thông mũi, thông họng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đau họng, họng đỏ rát thì không được lạm dụng nhiều.
- Người bị ho nên ăn các loại sữa, cháo loãng, súp. Những thực phẩm này mềm, dễ nuốt, hàm lượng nước vừa đủ, dễ tiêu hóa và vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân.
- Mật ong pha với quất/chanh được khuyên dùng cho người viêm họng hoặc bị ho. Sau bữa sáng, bệnh nhân có thể uống một cốc nước chanh ấm pha mật ong hoặc ngậm 1 đến 2 thìa mật ong. Hỗn hợp này có tác dụng kháng khuẩn và cải thiện triệu chứng ho rất tốt.
Ho kiêng ăn gì?
Bên cạnh bổ sung các thực phẩm, dưỡng chất cần thiết thì bệnh nhân bị ho cũng cần lưu ý tránh những thực phẩm có nguy cơ làm cơn ho thêm nặng nề như:
- Thực phẩm cay nóng như gừng, mà tạt, hạt tiêu, ớt,… sẽ khiến các dấu hiệu sưng, đỏ, đau rát tại niêm mạc họng trở nên trầm trọng hơn và kích thích họng gây ho, sặc rất nguy hiểm.
- Hạn chế tối đa các thực phẩm lạnh do cơn ho diễn ra chủ yếu khi cơ thể bị nhiễm lạnh. Các thực phẩm lạnh như kem, đá bào, nước lạnh hoặc đồ ăn mới lấy ra khỏi tủ lạnh chưa được hâm nóng,… có thể khiến cơn ho khởi phát và gây ra thêm bệnh về tỳ vị, đường ruột.
- Các nhóm rau củ quả nhiều chất nhầy như củ từ, rau đay, khoai sọ, mồng tơi,… sẽ làm gia tăng lượng dịch nhờn, từ đó kích thích họng và gây ho.
- Nói không với các thực phẩm chiên, xào, nướng, rán vì những đồ ăn này khá cứng, khi ăn sẽ ma sát với niêm mạc họng, gây đau khi nuốt và khiến cho bệnh nhân ho nhiều hơn. Thực phẩm nướng, xào, chiên,… còn khó tiêu hóa, ăn nhiều sẽ không tốt với sức khỏe.
- Da gà hay các thực phẩm dễ gây dị ứng như cua, tôm cũng là các món người bị ho nên tránh.
- Không nên sử dụng bia, rượu, đồ uống có gas, có cồn,… vid chúng khiến cho cơ thể mất nước, các mô, tế bào tại cổ họng bị khô và kích thích làm chứng viêm họng, ho ngày càng tồi tệ.
Những món ăn chữa ho hiệu quả
Canh mướp đắng
Mướp đắng hay khổ qua là loại quả có tính hàn, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm thuốc chữa ho.
Cách làm món canh mướp đắng như sau:
- Chuẩn bị vài quả mướp đắng non, còn tươi, không sử dụng quả đã già, màu vàng.
- Rửa sạch mướp sau đó cắt dọc, bỏ phần ruột.
- Chuẩn bị thịt băm cùng nấm mèo. Ướp thịt với gia vị vừa ăn và nhồi vào quả mướp.
- Bắc lên bếp một nồi nước, đun sôi rồi cho mướp đắng nhồi thịt vào, tiếp tục đun đến khi mướp chín nhừ. Nên nếm thêm gia vị cho vừa miệng.
- Nên dùng canh khi còn nóng, có thể ăn kèm với cơm.
Lưu ý không dùng món ăn này để chữa ho khan đối với những người bị rối loạn chức năng hệ tiêu hóa vì loại quả này có tính hàn.
Cháo quả la hán
Chuẩn bị:
- Quả la hán: 1 – 2 quả
- Hỗn hợp gạo tẻ và gạo nếp: 100g
- Thịt lợn nạc: 50g.
Cách tiến hành:
- Rửa sạch quả la hán rồi tách vỏ, thái phần ruột thành miếng nhỏ.
- Rửa thịt bằng nước muối loãng, ướp thêm một chút gia vị và xào trên chảo nóng tới khi ráo nước.
- Vo gạo thật sạch rồi cho vào nồi, đổ thêm nước vào và đun sôi.
- Đun đến khi cháo gần chín thì cho thịt đã xào vào, khuấy đều tay. Tiếp tục bỏ quả la hán vào và đun tới khi cháo sôi lại.
- Gia giảm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Nên ăn lúc cháo còn nóng, khi cháo đã nguội cần hâm nóng lại.
Cháo nước mía
Với món ăn này, bạn cần chuẩn bị hỗn hợp gạo tẻ và gạo nếp, 2 cốc nước mía lớn và thực hiện như sau:
- Hỗn hợp gạo đem vo sạch, có thể ngâm nước từ 15 đến 20 phút cho gạo nở ra. Sau đó cho nước và gạo vào nồi, đun sôi.
- Ninh tới khi gần chín thì đổ nước mía vào, đun tiếp để cháo nhừ hẳn rồi tắt bếp.
- Nên sử dụng lúc cháo còn nóng và có thể chia ra để ăn nhiều lần trong ngày.
Lưu ý: Nước mía mang tính hàn và chứa hàm lượng đường cao nên cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường.
Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc tháo gỡ được băn khoăn “ăn gì chữa ho?” Cũng như biết thêm các thực phẩm, món ăn giúp cải thiện cơn ho để áp dụng cho mình và những người thân yêu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh, bạn vẫn cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sỹ.