Phà Rừng đấu đà 2 sà lan 2.100 DWT cho Công ty Vi Sơn, Quảng Ninh (Ảnh minh hoạ SBIC)
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu các nhà máy đóng tàu nâng cao năng lực, chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công vừa đến thăm và làm việc trực tiếp với các nhà máy đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng, Nam Triệu. Đây là 3 nhà máy thuộc diện khó khăn nhất của Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ (SBIC). Tuy nhiên theo báo cáo, năm nay, cả 3 nhà máy trên tiếp tục xây dựng kế hoạch với sản lượng và doanh thu tăng khá, sau khi đã có mức tăng trưởng khá lớn của năm 2015. Đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có lợi nhuận thuần.
Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, ông Nguyễn Văn Hoài, Tổng giám đốc công ty báo cáo: “Năm 2015, Nam Triệu thực hiện được giá trị sản lượng trên 566 tỉ đồng, tăng 400% so với 2014. Kế hoạch sản lượng năm 2016 là 617 tỉ đồng, tăng 110% so với 2015. Năm 2016, Công ty tiếp tục thi công hai tàu hàng 56.200 tấn, đóng mới 3 tàu kiểm ngư, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tiếp tục đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ- CP… Toàn bộ 862 lao động có đủ việc làm, không nợ lương, bảo hiểm và thu nhập bình quân đạt 6,4 triệu đồng/người/tháng. Hiện các hợp đồng đóng mới của Công ty cung cấp đủ việc làm cho tới hết năm 2017.
Theo ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, năm 2015, Công ty đạt sản lượng gần 600 tỉ đồng, tăng trên 400% so với năm 2014. Năm 2016 Công ty xây dựng kế hoạch sản lượng 625 tỉ đồng, tăng 162% so với năm 2015. Trong đó đóng mới trên 450 tỉ đồng, tăng 120% đều đã có hợp đồng, gồm 12 tàu. Việc làm đủ cho toàn bộ lao động, thu nhập bình quân 6,4 triệu đồng/người/tháng. Công ty mẹ không còn nợ đọng lương và bảo hiểm.
Tại Công ty TNHH MTV Phà Rừng, theo Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty, năm 2016, Công ty xây dựng kế hoạch sản lượng 992 tỉ đồng, tăng 176% so với 2015, trong đó thi công đóng mới 20 tàu doanh thu trên 533 tỉ đồng, tăng 136% và thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016 đánh dấu việc bắt đầu mở ra thị trường đóng tàu xuất khẩu cho Phà Rừng với việc thi công tàu Ro-Ro cho Damen và ký đơn hàng đóng mới 2 tàu chở dầu/hoá chất 6.500 tấn cho Hàn Quốc…
Phà Rừng ký đơn hàng đóng mới cho chủ tàu Hàn Quốc tại Vietship 2016 (Ảnh minh hoạ SBIC)
Chỉ đạo tại các cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã đánh giá cao những nỗ lực, sự đoàn kết của các công ty để duy trì được sản xuất kinh doanh, đảm bảo được công việc làm, thu nhập người lao động.
Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ trước mắt của các nhà máy đóng tàu của SBIC còn rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh mới chỉ ở mức duy trì, chưa có dấu hiệu đột phá. Nợ nần vẫn rất cao. Phương án tái cơ cấu là các nhà máy phải phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trả nợ.
Theo thứ trưởng: “Các đơn vị phải làm sao khẳng định được sự tồn tại của các nhà máy đóng tàu của SBIC là cần thiết. Với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, các nhà máy phải đứng vững và tự phát triển được. Phải tính đến các bước phát triển cao hơn, phải có lợi nhuận, tăng trưởng sản xuất phải gắn với lợi nhuận, có như vậy mới CPH được”.
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, các nhà máy đóng tàu phải tiếp tục sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị, ứng dụng KHCN mới. Đặc biệt phải làm sao tiết kiệm chi phí, giảm chi phí gián tiếp, sắp xếp lại lực lượng lao động cho phù hợp, đào tạo lại lực lượng lao động để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theobaogiaothong.vn
Đang cập nhật!