Viêm họng nhiễm khuẩn là bệnh lý diễn ra với tỉ lệ khá cao hiện nay, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh bệnh lại càng có cơ hội khởi phát. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm xoang, nhiễm trùng tai, sốt thấp khớp hoặc viêm cầu thận. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, hãy cùng theo dõi bài viết ngay sau đây.
Viêm họng nhiễm khuẩn là gì? Nguyên nhân do đâu?
Viêm họng nhiễm khuẩn là bệnh lý do liên cầu khuẩn nhóm A streptococcus pyogenes) gây nên. Vi khuẩn này sau khi đi vào họng sẽ khiến niêm mạc họng haowcj amidan bị nhiễm khuẩn với các triệu chứng như khó nuốt, sốt, đột ngột đau họng,…
Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào nhưng đối tượng trẻ em và thiếu niên từ 5 đến 15 tuổi là nhóm có tỷ lệ mắc cao hơn cả. Những người bị suy yếu hệ miễn dịch cũng thường mắc phải chứng bệnh này.
Chứng bệnh này gây ra bởi liên cầu khuẩn nhóm A có thể lây nhiễm từ người sang người rất nhanh. Quá trình lây nhiễm có thể diễn ra theo những con đường sau đây:
- Sử dụng chung nước uống, đồ ăn với người bệnh.
- Tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm họng nhiễm khuẩn lúc họ hắt hơi hoặc ho.
- Chạm tay vào các vật dụng dính liên cầu khuẩn như bàn phím máy tính, ghế, mặt bàn, tay nắm cửa,… rồi cho tay lên miệng, mũi, mắt.
Dấu hiệu của viêm họng nhiễm khuẩn
Sự tấn công của vi khuẩn thường làm nhiễm khuẩn amidan hoặc niêm mạc họng và làm xuất hiện một số dấu hiệu điển hình như:
- Sốt: Liên cầu khuẩn gây viêm họng làm người bệnh sốt cao, nhất là trẻ nhỏ có thể sốt từ 38 độ trở lên. Cũng có trường hợp bệnh nhân không bị sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.
- Sưng hạch cổ: Không dừng lại ở amidan và niêm mạc họng, vi khuẩn còn di chuyển đến nơi khác, khiến hạch bạch huyết ở cổ sưng đau. Hiện tượng này làm bệnh nhân có thể dễ dàng sờ thấy hạch cổ cứng, sưng, nổi rõ ở trên da.
- Trong họng xuất hiện nhiều đốm trắng: Quá trình phát triển và sinh sôi nhanh chóng của liên cầu khuẩn sẽ làm hình thành các vệt trắng hoặc các vết đốm trong họng. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa họng, đau rát khó chịu. Các đốm trắng có thể lan ra khắp amidan và niêm mạc họng.
- Phát ban: Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ có tình trạng phát ban ở ngực hoặc cổ. Nếu phát ban diễn ra ở toàn thân thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, cần được điều trị và theo dõi sát sao.
- Đau họng: Cơn đau do viêm họng nhiễm khuẩn gây ra có tính dai dẳng và dữ dội, nặng nề hơn nhiều so với cơn đau khi bị viêm đau họng do virut. Cơn đau họng còn làm bệnh nhân nuốt khó, buồn nôn, chán ăn và nôn ói mỗi lần ăn.
- Các triệu chứng khác: Một số biểu hiện toàn thân không điển hình có thể đi kèm là đau cứng cơ, khó thở, nước tiểu đậm màu, đau dạ dày,… Khi có biểu hiện đi tiểu ra nước màu đậm, bạn cần đi khám để kiểm tra xem có gặp phải biến chứng viêm thận gây ra bởi vi khuẩn liên cầu hay không.
Thuốc điều trị và cách phòng ngừa viêm họng nhiễm khuẩn
Trong trường hợp viêm đau họng vì nhiễm khuẩn, các bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng kháng sinh từ 7 đến 10 ngày. Triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm dần sau 1 đến 2 ngày dùng thuốc, tuy nhiên bệnh nhân cần uống thuốc đủ liều để đảm bảo hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để.
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh là:
- Thuốc kháng sinh: Giúp ngăn vi khuẩn phát triển và phòng ngừa biến chứng. Các nhóm thuốc được áp dụng nhiều là nhóm beta-lactam (ceftriaxone, cephalexin, amoxicillin phối hợp cùng axit clavulanic,…) và nhóm macrolid (azithromycin, clarithromycin, erythromycin,…).
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Bao gồm aspirin, paracetamol, được sử dụng nhằm làm giảm những biểu hiện gây ra bởi viêm đau họng như sốt, khó nuốt, đau họng,…
- Thuốc chống viêm không steroid: Gồm diclofenac, ibuprofen,… được sử dụng để giảm nhẹ các biểu hiện do tình trạng viêm gây nên như sưng, đau, nóng, đỏ,…
- Thuốc chống viêm corticosteroid: Bao gồm betamethason, dexamethasone, prednisolon,… được chỉ định trong trường hợp viêm họng nặng.
- Dung dịch súc miệng: Trong thành phần của nước súc miệng thường chứa chất kháng viêm, kháng khuẩn và gây tê cục bộ, nhờ vậy sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm đau nhanh.
- Viên ngậm chữa viêm đau họng: Giúp điều trị nhiễm khuẩn họng, miệng nhờ các chất chống viêm, kháng sinh và gây tê trọng thành phần.
Viêm họng nhiễm khuẩn là bệnh có thể lây lan ra cộng đồng khi người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân hoặc dùng tay bị dính dịch tiết chứa vi khuẩn đưa lên miệng, mũi. Vì vậy, để phòng tránh bệnh lý này, bạn nên thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Thường xuyên rửa tay: Tay chúng ta thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều đồ vật nên nguy cơ dính phải vi khuẩn gây bệnh cũng rất cao. Do đó, việc rửa tay sẽ giúp bạn hạn chế việc lây nhiễm khi đưa tay lên mũi, miệng, mắt.
- Che miệng mỗi khi ho: Nhằm ngăn ngừa việc phát tán vi khuẩn ra môi trường, đặc biệt là nơi đông người khi bạn mắc viêm họng nhiễm khuẩn.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với những người khác: Đồ dùng của bệnh nhân cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, nếu bạn dùng chung các đồ dùng này, vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
- Súc họng và súc miệng với nước muối: Bạn có thể sử dụng nước ấm hoặc nước muối để làm sạch miệng họng. Chườm ấm họng cũng sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng đau họng.
- Ăn bổ sung nhiều hoa quả và uống đủ nước: Bạn nên uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất, đào thải chất độc và làm mát cơ thể. Bên cạnh đó, bổ sung hoa quả, nhất là các loại quả giàu vitamin C sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng và phòng tránh nhiễm khuẩn.
Viêm họng nhiễm khuẩn nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ có thể cải thiện nhanh chóng. Người bệnh không được chủ quan vì căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Hãy đi khám ngay khi phát hiện bản thân có dấu hiệu bất thường nhé.