Viêm phổi hít là bệnh lý rất dễ khởi phát ở người cao tuổi, người mắc các bệnh khiến ý thức bị rối loạn như tai biến mạch máu não, sau gây mê, ngộ độc,… Vậy thì căn bệnh là gì? Phương pháp chẩn đoán và quá trình điều trị ra sao? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu thông qua nội dung dưới đây của bài viết.
Tìm hiểu viêm phổi hít là gì?
Bệnh hay còn được gọi là viêm phổi sặc. Bệnh lý này diễn ra khi phổi bị nhiễm trùng do một lượng vật chất lớn đi từ dạ dày, miệng vào đến hai bên phổi. Nói một cách đơn giản, bệnh là hậu quả do ta hít phải vật chất tại họng miệng vào phổi làm tổ thương phổi dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng. Vật chất được nói đến ở đây có thể là chất nôn, axit dịch vị, hóa chất, nước bọt, thức ăn,…
Viêm phổi hít được phân ra thành 2 nhóm chính bao gồm:
- Bệnh với những thương tổn do dịch vị dạ dày trào ngược lên và đi vào trong phổi (hiện tượng này còn gọi là hội chứng Mendelson). Mức độ thương tổn phụ thuộc vào lượng axit dịch vị tràn vào phổi, tính chất và độ ph của dịch vị.
- Bệnh do dịch tiết từ hầu họng, sặc thức ăn,… những vật chất này khi tràn vào phổi có thể làm phổi bị nhiễm trùng, nhu mô phổi bị tổn thương vì chứa số lượng vi khuẩn gây bệnh lớn.
Nếu sức khỏe của chúng ta bình thường, tình trạng hít phải vật chất lạ vào phổi rất hiếm khi diễn ra. Tuy nhiên, chứng bệnh này lại rất dễ khởi phát, nghiêm trọng hơn, chúng còn là mối đe dọa đến tính mạng đối với những đối tượng như sau:
- Bệnh nhân đang gặp tình trạng thương tổn thần kinh – cơ như nhồi máu não, xuất huyết não, đa u tủy xương, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, nhược cơ, teo cơ,…
- Người đang mắc những bệnh như phì đại đốt sống cổ, túi thừa zenker, ung thư, tuyến giáp to,…
- Bệnh nhân nằm viện đang phải tiến hành một số can thiệp y tế gồm thở máy, đặt ống thông dạ dày, đặt nội khí quản,…
- Người đang mắc những bệnh như trào ngược dạ dày, tắc hẹp đường tiêu hóa, hẹp môn vị, sâu răng, viêm lợi, tật lưỡi lớn, tật hàm nhỏ,…
- Mẹ bầu bị suy thai, hiện tượng thiếu oxy của thai nhi làm thần kinh phó giao cảm bị kích thích và sẽ tống phân xu vào trong nước ối, em bé hít phải lượng phân xu này dẫn đến hiện tượng suy hô hấp.
- Người bệnh có nguy cơ mắc viêm phổi hít sau khi khởi mê trong trường hợp mổ cấp cứu không được chuẩn bị trước, dạy dày vẫn chứa đầy dịch vị và thức ăn.
- Trẻ em bị hội chứng Down, trẻ đẻ thiếu tháng hoặc gặp vấn đề về hoạt động nuốt do dị tật thực quản, hở hàm ếch, sứt môi.
- Thói quen thường xuyên đùa nghịch, chạy nhảy khi ăn của trẻ nhỏ khiến cho trẻ đối mặt với nguy cơ hít phải các chất từ đờm dãi, thức ăn, nước bọt,… vào trong phổi.
>>> Xem thêm: Viêm phổi kẽ là gì, có lây không? Hướng điều trị bệnh hiệu quả
Chẩn đoán viêm phổi hít
Các bác sỹ sẽ xem xét đến chứng bệnh này khi bệnh nhân thuộc nhóm người có nguy cơ và xuất hiện các dấu hiệu điển hình của bệnh. Những dấu hiệu này bao gồm:
- Ho. Ho là biển hiện chìa khóa của bệnh lý này. Hiện tượng ho có thể kèm theo đờm vàng hoặc đờm xanh.
- Sốt cao, mỏi cơ, buồn nôn, đau đầu, cảm thấy cơ thể không khỏe, có thể có cảm giác chán ăn, sụt cân.
- Nhịp tim và nhịp thở nhanh.
- Khi sử dụng ống nghe để nghe phổi sẽ thấy tiếng cọ màng phổi hoặc tiếng ran nổ.
- Gõ ngực sẽ thấy đục.
- Một số triệu chứng đi kèm khác có thể xuất hiện là đau ngực, khó thở, đau tăng lên khi hít sâu.
Tiếp theo, để có thể chẩn đoán xác định, các bác sỹ có teher chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm như xét nghiệm vi trùng (hay còn gọi là cấy đàm, nhuộm gram đờm, dịch khí quản), xét nghiệm máu, chụp x – quang ngực, chụp CT ngực.
Cách điều trị viêm phổi hít
Với bệnh nhân mắc bệnh do dịch vị dạ dày tràn vào phổi, bệnh nhân rối loạn tri giác và không thể tự thở cần thực hiện hút dịch hầu họng, soi rửa các phế quản, tiến hành đặt nội khí quản.
Khi soi rửa phế quản phải lưu ý cung cấp cho bệnh nhân đủ oxy. Không sử dụng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn vì rất dễ gây kháng kháng sinh. Tuy nhiên nếu sau 2 ngày mà hiện tượng viêm phổi không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần sử dụng kháng sinh. Trước khi có kết quả kháng sinh đồ thì nên dùng kháng sinh phổ rộng.
Trong trường hợp dị vật đi vào phổi, gây nhiễm trùng và khiến người bệnh bị viêm phổi hít thì cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Trên lâm sàng, phác đồ kháng sinh được áp dụng nhiều là sự kết hợp giữa một loại háng sinh thuộc nhóm beta lactam với một loại kháng sinh quinolon hoặc aminosid. Cho người bệnh sử dụng thuốc long đờm, chống viêm, hạ sốt, bù nước và điện giải. Bên cạnh đó cần đảm bảo việc cung cấp đủ dưỡng chất cho người bệnh.
Đối với các bệnh nhân mà chức năng nuốt bị rối loạn, cần điều trị để cải thiện chức năng nuốt cho bệnh nhân bằng cách: hỗ trợ bù lúc nuốt, tập luyện trong khi nuốt, tập luyện nâng cao chức năng của cơ nhai – nuốt. Những biện pháp này sẽ giúp lượng thức ăn ứ đọng trong miệng giảm đi và giảm nguy cơ sặc thức ăn vào phổi.
Người nhà hoặc nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân chức năng nuốt kém caafn lưu ý tìm loại thức ăn cho phù hợp. Khi bệnh nhân khó nuốt hay không nuốt được đồ ăn khô cứng cần chuyển sang các loại thức ăn mềm và lỏng hơn. Nếu nwgoif bệnh hay bị sặc khi dùng thức ăn lỏng thì phải chuyển sang các thức ăn đặc. Để bệnh nhân nghỉ ngơi khoảng 30 phút trước bữa ăn, nên tập trung khi ăn, không được vừa ăn vừa nói chuyện, đọc sách báo, xem ti vi,…
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm phổi hít mà chúng tôi đã tổng hợp được. Mong rằng chúng đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này và nắm được các triệu chứng gợi ý bệnh cũng như những phương pháp điều trị thường được áp dụng để có thể phát hiện, xử trí bệnh kịp thời, đúng hướng.