Viêm phổi thùy là căn bệnh nhiễm khuẩn bên trong phổi và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như áp xe phổi, tràn dịch màng phổi… Do vậy, người bệnh không được lơ là chủ quan khi mắc phải căn bệnh này. Để hiểu rõ viêm phổi thùy là gì cũng như cách điều trị như thế nào, người bệnh hãy đọc qua thông tin trong bài viết dưới đây.
Viêm phổi thùy là bệnh gì?
Viêm phổi thùy là hiện tượng phổi có dấu hiệu bị viêm nhiễm ở một số khu vực như túi phế nang, ống phế nang, nhu mô phổi… Bệnh có thể khởi phát do nhiều tác nhân xâm nhập và tấn công như virus, vi khuẩn, khói bụi… Trong đó, một số tác nhân thường gặp gây ra bệnh lý này như virus cúm, phế cầu khuẩn, các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu, ký sinh trùng.
Đây là căn bệnh có thể mắc phải ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch suy yếu, suy dinh dưỡng hoặc những ai đã và đang trong quá trình điều trị bệnh phổi. Thời điểm để bệnh bùng phát mạnh là lúc thời tiết chuyển lạnh, giao mùa.
Biểu hiện của bệnh viêm phổi thùy trải qua hai giai đoạn như sau:
- Giai đoạn khởi phát bệnh: Ở giai đoạn này, bệnh biểu hiện các triệu chứng như người ớn lạnh, sốt cao, rét run, khó thở, ho nhẹ, rối loạn tiêu hóa, lên cơn co giật… Đây không phải là các triệu chứng điển hình nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác.
- Giai đoạn bệnh toàn phát: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như cơ thể tím tái, mệt mỏi, co giật, khó thở, sốt cao, ho nhiều, ho có đờm, tức ngực… Khi chụp X quang phổi, bác sĩ sẽ phát hiện những đốm mờ trên phổi hoặc số lượng bạch cầu sẽ tăng mạnh khi xét nghiệm máu.
Viêm phổi thùy có nguy hiểm không?
Đây là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh. Trong đó, đối với những trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như sau:
- Viêm phổi thùy lan rộng có thể gây xẹp thùy phổi, áp xe phổi và dẫn đến tràn dịch màng phổi. Áp xe phổi hình thành do các bọc mủ tồn tại trong phổi. Nếu nặng thì người bệnh cần thực hiện phẫu thuật để thoát mủ ra ngoài.
- Căn bệnh này có thể làm tích tụ dịch ở trong khoang giữa lồng ngực và phổi. Nếu trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật ngay lập tức để bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
- Vi khuẩn ở phổi có thể đi vào máu và lây lan đến các cơ quan khác bên trong cơ thể, tình trạng này được gọi là nhiễm khuẩn huyết.
- Viêm phổi thùy có thể biến chứng sang bệnh viêm màng não rất nguy hiểm.
- Trường hợp bị bệnh nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, chức năng hô hấp bị suy giảm đáng kể. Bệnh nhân phải nhập viện ngay lập tức để hỗ trợ đường thở bằng các dụng cụ y tế chuyên khoa.
Với các biến chứng nguy hiểm như trên, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan khi mắc phải căn bệnh này. Quan trọng hơn hết, ngay khi phát hiện triệu chứng, bạn nên đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều trị kịp thời theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Hướng điều trị viêm phổi thùy, điều trị bao lâu?
Bệnh viêm phổi thùy có thể được điều trị thông qua nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Trước khi chữa trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như chụp CT Scan, chụp X quang phổi, xét nghiệm máu… Dựa vào các kết quả số liệu thu được, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với mỗi người.
Điều trị bằng Tây y
Sử dụng thuốc Tây y là phương pháp điều trị phổ biến nhất khi bị bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ kê toa điều trị bệnh lý này:
- Thuốc kháng sinh, kháng viêm: Thuốc có chứa các thành phần như amoxicillin, ciprofloxacin, penicillin có tác dụng kháng viêm, diệt vi khuẩn… Thuốc có công dụng ức chế sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Thuốc hạ sốt: Nếu bị sốt cao thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho uống thuốc giảm đau hạ sốt. Một số loại thuốc hạ sốt thường được chỉ định sử dụng như Paracetamol, Aspirin… Ngoài ra, người bệnh có thể tự hạ sốt bằng cách chườm khăn ấm, uống nhiều nước.
- Uống thuốc giãn phế quản: Trong trường hợp, người bệnh bị co thắt phế quản, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc giảm các cơn co thắt phế quản.
- Uống nước muối Oresol: Khi cơ thể bị mất nước trầm trọng, bác sĩ có thể cho người bệnh uống nước muối oresol để bù nước cho cơ thể. Ngoài ra, nước muối có thể được sử dụng để rửa sạch khoang mũi, loại bỏ chất nhầy và làm thông thoáng đường thở.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp viêm phổi diễn biến nặng, để bảo toàn tính mạng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật ngay lập tức để ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng.
>>> Xem thêm: Viêm phổi hít là gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm phổi hít
Điều trị tại nhà
Bên cạnh việc điều trị bằng Tây y, người bệnh có thể tự chăm sóc mình tại nhà bằng các biện pháp đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao:
- Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh trong thời gian điều trị bệnh.
- Xây dựng một thói quen ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều chất đạm, vitamin, năng lượng cần thiết cho cơ thể để tăng cường hệ miễn dịch.
- Người bệnh nên tập hít thở sâu, tập các bài tập thể thao nhẹ nhàng để đưa khí lưu thông đều đặn vào cơ thể.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, hạn chế để các khói bụi, khí bẩn có cơ hội tấn công vào cơ thể gây bệnh.
- Giữ ấm cho cơ thể vào những ngày thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa đông.
Viêm phổi thùy là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Nếu điều trị sớm thì bệnh chỉ mất khoảng 7 – 10 ngày là chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn biến nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài hơn.
Do vậy, ngay khi nhận biết mình mắc bệnh, người bệnh nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Bên cạnh đó, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình chữa trị để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.